Kinh tế Ấn Độ trông chờ đại gia bán lẻ nước ngoài

Kinh tế Ấn Độ trông chờ đại gia bán lẻ nước ngoài

Các cửa hàng tạp hóa Ấn Độ lo lắng bán buôn sẽ ế ẩm hơn khi những đại gia bán lẻ như Wal-Mart, Tesco thiết lập chuỗi siêu thị trong thời gian tới.

Cửa hàng tạp hóa kiểu gia đình vẫn phổ biến ở Ấn Độ, chính phủ đang mời gọi các hãng bán lẻ hàng đầu thế giới mở các siêu thị “khổng lồ” tại nơi đây. Một cuộc cách mạng trong phân khúc mua sắm là điều không thể tránh khỏi.

 

Việc cần làm đầu tiên của Devendra, một chủ cửa hàng tạp hóa là mở cửa tiệm vào mỗi buổi sáng, sau đó anh hướng về phía hai tượng nhỏ thờ vị Guru được đặt trên két đựng tiền. Anh thắp lửa trên 2 đĩa sáp đèn cầy đặt trước tượng, rồi đặt hoa trang trí xung quanh. Sau đó, anh dùng một chai nước thánh và rắc nhẹ nước thánh trên sàn nhà và lên các kệ hàng hóa. Đó là thói quen đều đặn trong ngày mà có thể giúp Devendra cảm thấy thanh thản và tạo niềm tin trước khi mọi thứ xung quanh bắt đầu chạy theo guồng quay như mọi ngày.

 

Các khách hàng đầu tiên đang đến, nhân viên của Devendra niềm nở chào đón. Lúc này, người mua chỉ cần đứng phía sau và nói những gì cần mua. Khi việc mua sắm hoàn tất, nhân viên sẽ đưa giỏ hàng cho Devendra để thanh toán hóa đơn.

Kinh tế Ấn Độ trông chờ đại gia bán lẻ nước ngoài ảnh 1

Siêu thị Wal-Mart của mỹ đã có mặt tại Hyderabad Ấn Độ vào tháng 9. Ảnh: BBC

 

Công việc của Devendra không ngơi tay, chỉ với cây bút và quyển sổ tay, không có máy tính tiền, anh phải tính ra tổng số tiền có trên hóa đơn, đồng thời cùng lúc nhận một đơn đặt hàng khác qua điện thoại. Có lúc anh quay sang hét to một nhân viên khác để hỏi giá chiếc bánh kem được nhập khẩu, rồi lại bắt đầu với giỏ hàng của người khách kế tiếp.

 

Tất cả hình ảnh trên là một ngày làm tất bật của một tiệm tạp hóa gia đình, mà đơn cử là cửa hàng của Devendra, hiện cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm cho hầu hết người dân Ấn Độ. Những cửa hàng tạp hóa dạng này đã đồng hành trong đời sống người Ấn Độ. Devendra đã điều hành cửa hàng trong 30 năm qua.

 

"Tôi đang dõi theo khách hàng hằng ngày", anh nói đầy tự hào. Nhưng trong kỳ Giáng sinh năm nay, Devendra cảm thấy lo lắng hơn khi chính phủ quyết định cho phép một loạt chuỗi siêu thị nước ngoài như Tesco, Walmart của Mỹ sẽ đầu tư tại đây.

 

Chưa có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Ấn Độ sẽ hồi phục. Do vậy chính phủ nước này tỏ ra nôn nóng muốn thực hiện hành động nào đó để hình ảnh Ấn Độ có thể tỏa sáng trở lại trên trường quốc tế.

 

Walmart và các tập đoàn bán lẻ khác có thể không quá phổ biến ở nơi khác, nhưng việc cho phép họ thiết lập chuỗi siêu thị ở Ấn Độ đã trở thành sự kiện quan trọng trong chiến lược hồi sinh nền kinh tế Ấn Độ.

 

Một số chuyên gia nhận định việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào Ấn Độ chỉ là một cách thăm dò thị trường bởi hiện nay có hàng chục triệu trẻ em Ấn Độ đói khát mỗi ngày và đa số người dân chưa đủ khả năng mua sắm ở các siêu thị lớn.

 

Giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang chơi một “ván bài” mạo hiểm khi các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ khoét sâu vào những lỗ hổng mà hiện các công ty Ấn Độ chưa thực hiện được. Ví dụ như khả năng công ty nước ngoài không chỉ hỗ trợ tăng giá thu mua cho nông dân mà có thể hạ giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng đầu cuối và thúc đẩy kinh tế phát triển mở rộng hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ, đặc biệt nhắm vào tầng lớp trung lưu Ấn Độ.

 

Một số khách hàng “ruột” của cửa tiệm anh Devendra thừa nhận họ định tạt ngang đến siêu thị Tesco hoặc Walmart nếu họ có thời gian. Một khách hàng cho biết mua ở siêu thị có thể giúp tốn ít thời gian hơn vì đôi khi có nhiều món hàng không thể tìm thấy ở tiệm anh Devendra. Thêm vào đó, một số hàng hóa ở các cửa hàng tạp hóa có giá mắc hơn chút ít.

 

Một người mua hàng cho biết họ cũng có thể chọn cách như mua rau tươi từ những người bán rau dạo chuyên đẩy xe bán quanh khu phố mỗi buổi sáng. Một số người tiêu dùng cho hay tùy thuộc vào nhu cầu cần mua, ví dụ muốn ăn thịt thì họ sẽ đến các cửa hàng bán thịt, tuy nhiên chất lượng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Hơn 1/3 số lượng thực phẩm được trồng ở Ấn Độ bị thối, héo trước khi nó được đưa tới thị trường tiêu thụ, lý do là thiếu phương tiện bảo quản lạnh.

 

Chính phủ Ấn Độ nói rằng các chuỗi siêu thị lớn như Tesco có thể giúp lấp đẩy lỗ hổng nói trên. Và chính phủ nước này đưa ra quan điểm rằng trong một thị trường rộng lớn như Ấn Độ thì vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các cửa hàng nhỏ tồn tại.