Kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, nội hàm độc lập, tự chủ, hội nhập trong giai đoạn hiện nay gắn chặt với sự chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Chia sẻ với Báo Đầu tư về việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nội hàm độc lập, tự chủ, hội nhập trong giai đoạn hiện nay gắn chặt với sự chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thưa ông, khái niệm “nền kinh tế độc lập, tự chủ” cần được hiểu như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới?

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, không chỉ là khát vọng, mà còn là kim chỉ nam trong xây dựng đất nước, đã được đặt ra ngay từ khi Việt Nam giành được độc lập. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta đã không thực hiện được cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

Trong suốt giai đoạn 1975 - 1986, do bị bao vây cấm vận, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, nên khái niệm độc lập, tự chủ về kinh tế ngày đó đồng nghĩa với khép kín, tức là chủ động, độc lập, tự chủ mọi thứ, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, càng giảm phụ thuộc vào nước ngoài càng tốt…

Phương thức điều hành kinh tế khép kín dần “lu mờ” từ khi đất nước mở cửa, hội nhập, đặc biệt kể từ năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đánh dấu bước mở cửa toàn diện của nền kinh tế.

Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn quá nhỏ, việc độc lập, tự chủ về kinh tế, tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới giai đoạn sau năm 2007 của nước ta cũng chỉ là cố gắng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia công, xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, gồm nghiên cứu - phát triển, thiết kế, sản xuất và phân phối, Việt Nam chỉ tham gia khâu sản xuất, nói chính xác là gia công với giá rẻ, giá trị gia tăng thấp và cũng không có tiếng nói trong chuỗi sản xuất - phân phối toàn cầu.

Với sự phát triển kinh tế nhanh, ổn định và bền vững, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới. Vì vậy, nội hàm độc lập, tự chủ, hội nhập bây giờ gắn chặt với sự chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chúng ta không “ngồi chờ” đơn hàng gia công…, mà chủ động từng phần trong khâu thiết kế, nghiên cứu, phát triển, nguyên liệu, phụ tùng… đến khâu phân phối. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thay vì chỉ đặt nhà máy gia công, lắp ráp ở Việt Nam.

Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập thường xuyên được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường xuyên nhắc tới việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại rất nhiều diễn đàn, hội nghị.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (tháng 5/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại quan điểm xây dựng chính sách tự chủ, độc lập của Việt Nam với các học giả, chính khách, doanh nghiệp Hoa Kỳ và khẳng định, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập, nhưng không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp, mà luôn gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế.

Các học giả, chính khách và chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ rất bất ngờ khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới của Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc từ tháng 12/1946, nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, như dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế…

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng chính là nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập, trên tinh thần như Thủ tướng Chính phủ thường hay phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Tức là, phải xây dựng và củng cố niềm tin với nhà đầu tư, với doanh nghiệp trong và ngoài nước thì mới có thể cùng nhau chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro, thưa ông?

Bên cạnh củng cố niềm tin, muốn phát triển kinh tế như mục tiêu đặt ra, thì bắt buộc phải hoàn thiện thể chế kinh tế, đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi hơn, thông thoáng hơn để nhà đầu tư bỏ tiền ra có thể thu được lợi nhuận.

Niềm tin là cần thiết, nhưng chỉ là điều kiện cần để các bên có thể chia sẻ lợi ích, san sẻ rủi ro cho nhau. Trong nền kinh tế thị trường, điều kiện tiên quyết để người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp bỏ vốn ra kinh doanh là Nhà nước phải bảo đảm lợi ích, lợi nhuận cho họ, đó là phải xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Tất cả những quy định này không chỉ được luật hóa, mà phải được hiến định.

Hiến pháp của Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ người dân nói chung, nhà đầu tư nói riêng: mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Đây là đường lối phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Những cam kết đã được hiến định này bảo đảm cho nhà đầu tư thu được lợi nhuận là điều kiện đủ để thu hút đầu tư nước ngoài, còn nếu chỉ có niềm tin, thì chưa đủ.

Thực tế đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam dự định đầu tư hàng tỷ USD vì có niềm tin vào nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, bảo đảm được các cán cân kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát... Nhưng cuối cùng, họ không đầu tư vì tính toán lại, lợi nhuận không được như mong muốn.

Vì vậy, bên cạnh củng cố niềm tin, muốn phát triển kinh tế như mục tiêu đặt ra, thì bắt buộc phải hoàn thiện thể chế kinh tế, đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi hơn, thông thoáng hơn để nhà đầu tư bỏ tiền ra có thể thu được lợi nhuận.

Nhưng trên thực tế, lợi ích thì dễ chia sẻ, còn rủi ro lại khó mà cùng nhau chịu. Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ được xử lý thế nào, thưa ông, ví dụ từ vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát?

Theo tôi được biết, nhiều nhà đầu tư đến trụ sở Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trả tiền cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

Đứng ở địa vị của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính phải trả lời, 2 doanh nghiệp này phát hành trái phiếu có đúng quy định không? Nếu đúng quy định, thì đây là tranh chấp dân sự giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp, Bộ Tài chính không có quyền bắt doanh nghiệp phải trả tiền hoặc mua lại trái phiếu, vì hoạt động mua bán, giao dịch trái phiếu theo cơ chế thị trường, lời ăn, lỗ chịu, lợi ích hài hòa, rủi ro cùng nhau gánh, nhà nước pháp quyền chỉ hành xử theo đúng pháp luật.

Vậy phải hành xử bằng cách nào để theo đúng cơ chế thị trường và nhà nước pháp quyền, thưa ông?

Bộ Tài chính đứng ra làm trọng tài yêu cầu doanh nghiệp thu xếp tiền, kể cả bán tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng quy định, trình tự, thủ tục và cam kết khi phát hành trái phiếu. Lý do Bộ Tài chính yêu cầu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát thực hiện yêu cầu này đồng thời đứng ra giám sát việc thực hiện, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản là nhằm bảo vệ an ninh, trật tự, tránh tụ tập đông người gây bất ổn xã hội. Còn doanh nghiệp trả nợ thế nào, lộ trình trả nợ ra sao, trả được bao nhiêu, trả bằng hình thức nào, trả trong bao lâu... do doanh nghiệp và nhà đầu tư cam kết, thỏa thuận với nhau, không thỏa thuận được thì đưa nhau ra tòa, các cơ quản lý nhà nước nói chung, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói riêng không can thiệp.

Trong quá trình hòa giải, thỏa thuận hoặc đưa nhau ra tòa, nếu bên nào vi phạm pháp luật thì bị xử lý, kể cả là hình sự nếu vi phạm hình sự. Việc này cũng tương tự ban lãnh đạo Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC... vi phạm pháp luật thì cá nhân họ bị khởi tố, truy tố, kết án không liên quan đến doanh nghiệp. Một nhà nước pháp quyền theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không hình sự hóa quan hệ kinh tế và cũng không dân sự hóa quan hệ hình sự.

Tin bài liên quan