Kinh tế toàn cầu: Mây đen phủ bóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện rõ nét hơn do dịch Covid-19, lạm phát, khủng hoảng năng lượng...
Lạm phát tại nhiều nước đang ở mức cao kỷ lục.

Lạm phát tại nhiều nước đang ở mức cao kỷ lục.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 3,6% xuống 3,2%, đi kèm cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2023.

IMF ước tính, kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng âm 2,9% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Nikkei Asia, riêng lạm phát đã trở thành một “đường đứt gãy” trong nền kinh tế toàn cầu và có nguy cơ lan rộng trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, tại Mỹ, GDP quý II/2022 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, đáp ứng tiêu chí cho một cuộc suy thoái kỹ thuật do lạm phát và lãi suất cao đè nặng lên chi tiêu.

Yếu tố tích cực là tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 7/2022 giảm mạnh, trở về mức trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 3,5% của tháng 2/2022.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo, cơn sốt tuyển dụng trong vòng một năm rưỡi qua tại Mỹ có khả năng sẽ hạ nhiệt, đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng trở lại.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 26/8/2022 cho biết, Fed sẽ mạnh tay sử dụng các công cụ để kiềm chế lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ), dù việc này khiến kinh tế Mỹ và thị trường lao động yếu đi.

Tại Anh, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng, nếu như tháng 6/2022 tăng 9,4% thì tháng 7/2022 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao kỷ lục kể từ năm 1982. Ngân hàng trung ương nước này dự báo, kinh tế Anh có thể bước vào suy thoái trong quý IV năm nay và tăng trưởng âm trong suốt năm 2023.

Đối với Trung Quốc, GDP quý II/2022 giảm 2,6% so với quý I và chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ, khiến mức tăng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,5%, trong khi mục tiêu cả năm là tăng khoảng 5,5% (năm 2021 tăng 8,1%).

Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng do niềm tin của người dân với thị trường nhà đất sụp đổ, chính sách Zero Covid hà khắc, hết tình trạng hạn hán lại đến lũ lụt... Thời kỳ khó khăn được nhận định vẫn đang ở phía trước, nhất là khi lĩnh vực bất động sản vốn tạo động lực chính cho kinh tế tăng trưởng hiện có tương lai “mờ mịt”.

Một vấn đề khác là Bắc Kinh rất coi trọng việc làm, vì nó có ý nghĩa trọng yếu đối với sự ổn định xã hội, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng từ 15,3% trong tháng 1/2022 lên 19,9% vào tháng 7/2022.

Theo khảo sát hàng quý với các chuyên gia kinh tế của Hãng tin Bloomberg công bố ngày 28/8/2022, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 3,5% trong năm nay, giảm so với mức dự báo trước đó là 3,9%.

Ở châu Âu, kinh tế Đức không tăng trưởng trong quý II/2022. Lạm phát tháng 7/2022 tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này là 7,5%, giảm so với mức 7,6% của tháng 6 và mức 7,9% của tháng 5, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel ngày 20/8/2022 cảnh báo, lạm phát có nguy cơ tăng tới 10% trong những tháng tới, sau khi gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện giao thông công cộng 9 Euro/tháng kết thúc vào cuối tháng 8.

Bà Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa tại Capital Economics cho hay, giá khí tự nhiên giao ngay ở châu Âu đã tăng 10 - 11 lần trong 2 năm qua. Cú sốc khí đốt hiện nay lớn gần gấp đôi cú sốc dầu thập niên 1970.

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS nhận định, với việc Đức rơi vào tình cảnh thiếu hụt khí đốt, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi và thiệt hại có thể lên đến 6% GDP vào cuối năm 2023.

Theo ThS. Hoàng Hải Ninh, giảng viên bộ môn Kinh tế đầu tư, Học viện Tài chính, hai quý cuối năm 2022, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại rõ rệt do chính sách tiền tệ dần thắt chặt hơn, xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp khiến giá xăng dầu, khí đốt biến động mạnh, đi kèm với đó là lạm phát cao, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, chi phí sản xuất gia tăng, nhu cầu tiêu dùng suy giảm...

Kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, gây trở ngại cho quá trình phục hồi tăng trưởng. Quy mô các gói hỗ trợ kinh tế hiện nay ở mức cao so với trước, nhưng sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam (nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ phục hồi) so với xu hướng chung của toàn cầu (thắt chặt tiền tệ) có thể làm giảm hiệu quả các chính sách kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Tin bài liên quan