Nông sản Việt Nam đang rộng cửa vào châu Âu.

Nông sản Việt Nam đang rộng cửa vào châu Âu.

Kinh tế Việt Nam mở cửa đón vận hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trang sử hội nhập của Việt Nam vừa đánh dấu một năm “bội thu” các hiệp định thương mại, tạo thêm động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng tốc.

Những con số ý nghĩa

Nửa cuối năm 2020, hai hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) hoàn tất ký kết. Như vậy, tới thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về mức độ mở cửa và hội nhập trong khu vực.

Trong đó, RCEP là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn, cùng các hiệp định CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia cho đến nay.

Số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương rất đáng chú ý khi cho thấy, việc thực thi các FTA trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tham gia các hiệp định FTA đã góp phần mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam và tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

Những con số thực tế đã thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư với sự đóng góp của các FTA trong thập niên vừa qua.

Trong đó, năm 2019 - năm cao điểm thực thi các hiệp định, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA đạt 47,55 tỷ USD và chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá 61,19 tỷ USD, tăng 14% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O so với năm 2018.

Tính riêng với hiệp định CPTPP, năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước đạt hơn 77 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước là gần 40 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2018, đưa cán cân thương mại sang thế xuất siêu trong năm 2019 với mức xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD, lật ngược thế cờ so với năm 2018 khi Việt Nam nhập siêu 0,9 tỷ USD từ các nước trong khối này.

Đối với EVFTA, ngay sau khi có hiệu lực (từ 1/8/2020), trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 đã được cấp với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU cho các mặt hàng giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, valy, rau quả, sản phẩm mây tre đan - đều là những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam.

Sau 5 tháng thực thi, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Kết quả này đã góp phần tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 281,5 tỷ USD năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy vậy, đi cùng với sự rộng cửa hội nhập, xuất khẩu tăng mạnh thì năm 2020 cũng ghi nhận số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội, mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức về pháp luật, thể chế”.

Rộng không gian cho tăng trưởng

Với 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết, đây được đánh giá là động lực lớn giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần mang lại những đột phá cho tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới.

Con số xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020 càng có ý nghĩa hơn khi xét trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Con số xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD trong năm 2020 càng có ý nghĩa hơn khi xét trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu được vào các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ông đặc biệt vui khi nghe trong điều kiện khó khăn trong năm 2020, chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Các kết quả đáng ghi nhận của năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, đặc biệt, với FTA đã có với 60 nền kinh tế đã và sẽ tiếp tục nới rộng không gian tăng trưởng thương mại, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong năm 2021 và giai đoạn tới.

Doanh nghiệp sẵn sàng đón vận hội

Với các đơn hàng xuất khẩu nông sản chế biến, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như chanh leo, thanh long, nước quả cô đặc gia tăng mạnh vào thị trường EU ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, năm 2020, Công ty cổ phần Nafoods Group ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.215 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2019.

Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận trên 60 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2019.

Chủ tịch Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, với ông, kết quả kinh doanh trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh xuất khẩu nửa đầu năm của doanh nghiệp vào các thị trường lớn bị chững lại do tác động bởi dịch bệnh.

Mường tượng rõ những cơ hội và thách thức phải đối mặt trong năm 2021, nhưng ông Hùng bảo: “Khát vọng chinh phục các thị trường lớn đã gần trong tầm tay hơn bao giờ hết nhờ trợ lực từ các FTA đã có hiệu lực”.

Nafoods có lợi thế về các sản phẩm truyền thống như nước ép, dịch cô đặc, sản phẩm rau, củ, quả cấp đông và đã thương mại hóa thành công nhóm sản phẩm sấy, sản phẩm hạt dinh dưỡng trong năm 2020 vào các thị trường thuộc EU và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), trong đó đặc biệt là tại thị trường Nga và các nước nói tiếng Nga.

Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có những đột phá trong xuất khẩu trong năm nay. Chưa kể, với Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2020, các doanh nghiệp ngành nông sản như Nafoods sẽ có thêm nhiều lợi thế lớn vào thị trường Anh nhờ thuế suất giảm.

Tương tự, các doanh nghiệp dệt may, giày dép, thủy sản cũng đang đứng trước cơ hội bứt phá về hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới nhờ các FTA. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) chia sẻ, bên cạnh thị trường Mỹ đang thuận lợi cho xuất khẩu tôm, hiệp định thương mại tự do với EU, Anh quốc đang tạo ra thị trường lớn cho tiêu thụ mặt hàng này, đặc biệt là các sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam.

Tuy nhiên, để biến các cơ hội từ FTA thành lợi ích thực sự, ông Lực cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần giải quyết ngay các vấn đề về cấp mã số vùng nuôi cũng như đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về vùng nuôi của thị trường EU và Anh.

“Ngành tôm đang đứng trước thời cơ tăng tốc. Để tận dụng được cơ hội và lợi ích từ các FTA này, FMC sẽ tập trung đánh giá khả năng tổ chức nuôi tôm, phấn đấu đảm bảo tiêu chuẩn vùng nuôi để có nhiều nguyên liệu đạt chuẩn. Song không chỉ riêng nỗ lực của doanh nghiệp, mà cần có sự chung tay hỗ trợ đồng bộ của cơ quan chức năng trong việc đáp ứng truy xuất nguồn gốc và việc cấp mã số cơ sở nuôi”, ông Lực nhấn mạnh.

Tin bài liên quan