Kinh tế Việt Nam trong xu hướng dần cải thiện

So với 2 quý đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III đã có chuyển biến tích cực.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng dần cải thiện.

Từ tháng 4 trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh dường như đã phục hồi. Những dấu hiệu nào cho thấy điều này, thưa bà?

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng đầu năm đang trong xu hướng dần cải thiện. GDP quý III tăng 5,33%; 9 tháng đầu năm tăng 4,24%.

Tuy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất đã có những chuyển biến tích cực. Dịch vụ duy trì mức tăng trưởng cao nhất. Công nghiệp có dấu hiệu khôi phục trong 3 tháng gần đây. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khá ổn định.

Ấn tượng nhất là tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III năm nay tăng 5,61%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,07% của 6 tháng đầu năm 2023, nên tính chung 9 tháng, lĩnh vực này tăng gần 2%. Đây chưa phải là mức tăng trưởng kỳ vọng, nhưng là tín hiệu tốt cho thấy khu vực sản xuất chủ đạo của nền kinh tế những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đà bứt phá.

Với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điều gì khiến bà ấn tượng nhất?

Ngoại trừ một số ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng sản lượng cao so với cùng kỳ (sản xuất thuốc lá; sản phẩm từ cao su, nhựa; kim loại đúc sẵn; sắt thép...), thì ấn tượng nhất phải kể đến một số ngành công nghiệp đã thoát khỏi vùng tăng trưởng âm. Đó là sản xuất đồ uống; trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; giấy và sản phẩm từ giấy...

Đặc biệt, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - lực lượng tiên phong của lĩnh vực chế biến, chế tạo và cũng là ngành then chốt của cả nền kinh tế - tăng trưởng 2,66%, chính thức thoát khỏi suy giảm (6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm gần 4%).

Ngoài ra, phải kể đến ngành xây dựng tăng trưởng gần 8% nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giá vật liệu xây dựng giảm dần, lãi suất ngân hàng giảm và nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai...

Nhìn từ góc độ tiêu dùng, thì có những điểm gì nổi bật, thưa bà?

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2023 có xu hướng cải thiện hơn so với mức tăng 4,7% của 6 tháng đầu năm và được cải thiện ở cả 3 khu vực kinh tế. Điều này đã thể hiện rõ xu hướng tháng sau tích cực hơn tháng trước của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Trong nền kinh tế, Chính phủ là người tiêu dùng (sử dụng) lớn nhất, trong đó, đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững cả hiện tại cũng như lâu dài. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư, nên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua có xu hướng tăng cao. Đây chính là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

Khía cạnh sử dụng thứ hai là xuất khẩu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, nhưng thặng dư thương mại 9 tháng năm 2023 vẫn đạt hơn 21 tỷ USD, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng là tiêu dùng của hộ gia đình, cá nhân có xu hướng cải thiện, với mức tăng khoảng 3,5% trong quý III và 2,9% trong 9 tháng, dù chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước Covid-19, nhưng đã có chuyển biến tích cực, góp phần bù đắp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi tiêu thụ tại thị trường quốc tế suy giảm.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm thường có quy luật là quý I tăng chậm và tăng nhanh dần vào các quý sau. Theo bà, kinh tế năm nay có tuân theo quy luật này không?

Từ năm 2011 đến nay, ngoại trừ 3 năm gần đây có biến động bất thường, thì nhìn chung, tăng trưởng của một năm thường có xu hướng tăng dần vào cuối năm. Điều này có thể lý giải là do điều hành của Chính phủ, độ trễ của chính sách, của sản xuất, đặc điểm và hiệu quả kinh tế của từng ngành.

Với sự ổn định của khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản; tăng trưởng đều của khu vực dịch vụ; tín hiệu cải thiện ở hoạt động công nghiệp - xây dựng từ tháng 7; xuất khẩu khả quan hơn qua từng tháng, nhiều khả năng quý IV năm nay, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức cao nhất trong năm, tăng trưởng kinh tế tuân theo quy luật quý sau cải thiện hơn quý trước.

Dù vậy, theo một số chuyên gia, khả năng tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5% là rất khó. Dự báo của bà như thế nào?

Tăng trưởng quý III cao hơn các quý trước và 9 tháng đạt 4,24%, vẫn tương đối xa so với mục tiêu cả năm đạt tăng trưởng 6,5%. Từ tháng 5 đến nay, các hoạt động kinh tế có dấu hiệu tích cực, nhiều ngành tăng trưởng khá tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo, như hậu Covid-19; xung đột địa chính trị; chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát; nhu cầu thị trường thế giới giảm; giá xăng dầu tăng trở lại... Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ở trong nước, động lực từ khu vực sản xuất tuy có cải thiện, nhưng còn khá yếu, thậm chí vẫn giảm ở một số ngành công nghiệp chủ lực; chi phí đầu vào tăng cao…

Để đạt mục tiêu 6,5% trong năm 2023, tăng trưởng quý IV cần đạt trên 12%.

Tin bài liên quan