CEO Antonio M. Perez

CEO Antonio M. Perez

Kodak khai tử mảng kinh doanh cốt lõi

(ĐTCK) Kodak đã chính thức khai tử mảng kinh doanh cốt lõi của mình, vốn mang lại thương hiệu từng nổi tiếng toàn cầu một thời.

Ngày 9/2/2012, Eastman Kodak Co., công ty chuyên sản xuất phim chụp ảnh, máy ảnh, máy in… có trụ sở chính tại Rochester, New York (Mỹ), từng phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 1975 đã đưa ra một quyết định hết sức khó khăn là sẽ dừng hoạt động toàn bộ mảng sản xuất- kinh doanh máy ảnh, phim ảnh. Như vậy, Kodak đã chính thức khai tử mảng kinh doanh cốt lõi của mình, vốn mang lại thương hiệu từng nổi tiếng toàn cầu một thời.

Động thái này cho thấy, Kodak đang tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng và bế tắc, chưa tìm ra lối thoát. Cách đây gần 1 tháng (vào ngày 19/1/2012), Kodak đã buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản của Mỹ.

Sự kiện này đã khiến lĩnh vực công nghiệp giải trí của Mỹ và quốc tế xôn xao. Chẳng là khi đệ đơn xin phá sản, Kodak đang là “con nợ” của nhiều tập đoàn truyền thông, kinh tế lớn như Sony của Nhật Bản (nợ 16,7 triệu USD), Warner Bros. (14,2 triệu USD), NBC Universal (9,3 triệu USD), Paramount (6,8 triệu USD), Disney (4,2 triệu USD), Amazon (3 triệu USD) đều của Mỹ, Nokia của Phần Lan (2 triệu USD)...

Theo tính toán sơ bộ, tính đến hết năm 2011, tổng tài sản của Kodak có trị giá 5,1 tỷ USD, trong khi tổng số nợ nần đã lên tới 6,75 tỷ USD.

May cho Kodak là khi sắp chết đuối lại vớ được cọc là Tập đoàn tài chính - ngân hàng Citigroup đứng ra cấp một khoản tín dụng trị giá 950 triệu USD trong thời hạn 18 tháng để có thể tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, Kodak phải tìm được một đối tác đứng ra mua lại, đồng thời, phải duy trì hoạt động để tiếp tục trả lương cho hơn 18.000 nhân công hiện có.

Được thành lập năm 1880 (tính đến nay đã có 112 năm hoạt động), Kodak đã từng là thương hiệu số 1 thế giới về phim chụp ảnh. Năm 1976, Kodak còn nắm tới 90% thị phần tiêu thụ phim chụp ảnh và 85% thị phần camera ở thị trường Mỹ. Sau khi Fuji Film (Nhật Bản) nhảy vào thị trường Mỹ và thế giới, với giá rẻ hơn, mà chất lượng tương đương, thì thị phần phim chụp ảnh của Kodak bắt đầu sụt giảm.

Kể từ thập niên 1980, thị phần của Kodak cứ rơi dần vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, như Nikon, Olympus, Canon... Từ cuối những năm 1990, Kodak lại phải đương đầu với làn sóng ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh.

Tháng 5/2005, ông Antonio M. Perez, nguyên Giám đốc Bộ phận máy in của Tập đoàn Hewlett-Packard, được mời làm Giám đốc điều hành (CEO) Kodak với hy vọng làm xoay chuyển được tình hình, song nay thì ông cũng phải buồn bã thừa nhận sự bất lực của mình.

Từ năm 2003 trở lại đây, Kodak đã phải đóng cửa 13 nhà máy tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, sa thải 47.000 lao động.

Cách đây 10 năm, giá cổ phiếu của Kodak tại Sở GDCK New York còn ở mức cao hơn 20 USD/cổ phiếu, giờ đây chỉ có giá hơn 30 UScent/cổ phiếu.  Không chỉ kinh doanh kém cỏi, mà đi kèm là việc thương hiệu Kodak mất giá dần trong mắt giới hâm mộ điện ảnh.

Suốt nhiều năm qua, lễ trao Giải điện ảnh Oscar danh giá của Mỹ luôn được tổ chức tại nhà hát Kodak tại TP. Los Angeles (bang California). Song mới đây, ông Antonio M. Perez đã thông báo,  Kodak buộc phải chấm dứt hợp đồng tổ chức sự kiện lớn này tại nhà hát Kodak do không có kinh phí. Được biết, hiện Kodak phải trả 4 triệu USD mỗi năm để tên của mình được gắn liền với nơi diễn ra lễ trao giải Oscar, nhưng với tình hình tài chính khó khăn hiện tại, việc này trở nên “quá sức” và có phần phù phiếm với Kodak.

“Kodak tự hào về vị trí quan trọng của mình trong làng giải trí công nghiệp và mối quan hệ lâu dài với những nhà làm phim. Nhưng với tình hình tài chính hiện tại, chúng tôi buộc phải nói lời tạm biệt”, ông Antonio M. Per buồn bã nói.

Lễ trao giải Oscar năm 2012 vẫn sẽ diễn ra tại Nhà hát Kodak vào ngày 26/2 tới,  song đây sẽ là lần cuối cùng được tổ chức tại đây.

Đây chắc chắn là một kỷ niệm buồn với thương hiệu Kodak. Song lúc này đây mà nói đến quá khứ huy hoàng của Kodak, thì hàng loạt kỷ niệm buồn sẽ lần lượt trở về với những người ít nhiều có gắn bó với Kodak.

Chẳng hạn, năm 2009, những cuộn phim chụp ảnh thông thường có vỏ bọc màu vàng quen thuộc của Kodak xuất xưởng lần cuối cùng tại nhà máy ở Mexico để vĩnh viễn đi vào quá khứ. Đó là một kỷ niệm buồn với Kodak, nhưng quy luật phát triển là vậy.

Kỹ sư Steven Sasson, nhân viên của Kodak là người đầu tiên đã phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên vào năm 1975, song giờ phỏng còn ai biết tên?

Trước đó, vào năm 1969, các phi hành gia của tàu vũ trụ Apollo 11 đã dùng máy ảnh Kodak để chụp ảnh ngay trên mặt trăng. Rồi phim của Kodak được sử dụng trong hơn 80 bộ phim truyện nhựa được trao giải Oscar danh giá.

Ngồi gậm nhấm những kỷ niệm này của Kodak thì ngay cả người ngoài đôi khi cũng còn cảm thấy chạnh buồn và tiếc nuối cho Kodak.