Ký hợp đồng BOT Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trị giá 8.925 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có 30 tháng để hoàn thành 78,5 km cao tốc Bắc – Nam,đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Lễ ký hợp đồng Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Lễ ký hợp đồng Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Sáng nay (30/7), tại Hà Nội, Bộ GTVT và liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây Dựng Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 cùng doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Đây là công trình cuối cùng trong số 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 ký được hợp đồng BOT. Trước đó, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư tại 2 dự án là Diễn Châu – Bãi Vọt và Nha Trang – Cam Lâm.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, sở dĩ quá trình thương thảo Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo kéo dài tới 6 tháng là bởi cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và liên danh nhà đầu tư được lựa chọn đều thống nhất quan điểm đàm phán thực chất, kỹ lưỡng. Đàm phán để triển khai thực hiện, không đàm phán cho có.

“Trong quá trình đàm phán, liên danh nhà đầu tư đã thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình đầu tư các dự án đường cao tốc quy mô lớn được đầu tư theo hình thức BOT”, ông Lê Anh Tuấn đánh giá.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc hoàn tất ký hợp đồng BOT 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam không chỉ tiếp thêm cảm hứng, niềm tin cho các nhà đầu tư mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng đúc rút nhiều bài học thực tế quý giá khi xử lý các vướng mắc trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Theo ông Phùng Tiến Thành, đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, liên danh nhà đầu tư đã rất nỗ lực, cố gắng để ký được Hợp đồng BOT Dự án, nhất là trong bối cảnh diễn biến biến phức tạp của dịch Covid 19, cộng thêm nguồn vật liệu khan hiếm và biến động giá bất thường của các loại vật tư như sắt thép, cát, đá các loại mà trước khi đấu thầu nhà đầu tư chưa lường hết được.

“Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trước yêu cầu của các tổ chức tín dụng phải có bảo lãnh doanh thu mà hợp đồng này không được áp dụng”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cam kết sẽ khẩn trương ký kết hợp đồng tín dụng, sớm triển khai công tác thi công trên thực địa để hoàn thành công trình sau 30 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng BOT.

Ông Thành cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để làm việc với địa phương trong công tác cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn dự án đi qua; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường.

Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và đến tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Đèo cả - Công ty cổ phần Xây Dựng Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 với tổng mức đầu tư 8925 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 15 ngày. Nhà đầu tư đề xuất phần vốn góp của ngân sách Nhà nước giảm 891 tỷ đồng so với hồ sơ mời thầu.

Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5 km với điểm đầu tại Km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối tại Km 134+00, trùng điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ. Trên tuyến có hạng mục hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi hoàn thành sẽ từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá, thông thương trong khu vực, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT, kết nối tất cả các trung tâm kinh tế phía Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ và tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan