Kỳ vọng bước chuyển của ngành quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều công ty quản lý quỹ có sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô tài sản quản lý và kết quả kinh doanh. Kỳ vọng, ngành quản lý quỹ Việt Nam sẽ từng bước phát triển tương đồng với các nước phát triển trong khu vực.

Những con số tích cực

Chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ của nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua phục hồi tốt, cấu trúc thị trường ngày càng được hoàn thiện, nhiều kết quả quan trọng trên các khía cạnh đạt được mục tiêu đề ra, tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong điều kiện đó, hoạt động của khối công ty quản lý quỹ cũng có sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô tài sản quản lý và kết quả kinh doanh.

Hiện tại, trên thị trường có 43 công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đang hoạt động. Tổng giá trị tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ thời điểm cuối năm 2023 ước tính đạt 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2022. Trong đó, nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư ủy thác có tổng giá trị khoảng 571.000 tỷ đồng; nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khoảng 68.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2023 chưa kiểm toán cho thấy, các công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định, có lãi.

Về hoạt động quản lý quỹ, tính đến hết năm 2023, số lượng quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép là 107, tăng 10 quỹ so với cuối năm 2022 và tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020. Tăng trưởng giá trị tài sản ròng trung bình hàng năm của các quỹ đầu tư từ năm 2011 đến nay là hơn 15%/năm. Trong đó, các quỹ ETF có sự tăng trưởng rất tốt trong thời gian vừa qua, có thể kể đến Quỹ ETF DCVFMVN Diamond, Quỹ ETF E1VFVN30, Quỹ ETF SSIAM VNFIN Lead.

Mức tăng trưởng quy mô tài sản quản lý và số lượng quỹ đầu tư huy động thời gian vừa qua cho thấy, hoạt động của các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam đã và đang phát triển theo đúng định hướng, phát huy vai trò kết nối giữa nhà đầu tư với thị trường, huy động được nguồn vốn dài hạn, ổn định để phát triển thị trường chứng khoán và từng bước hội nhập quốc tế.

Một số tồn tại, hạn chế

Hiện tại, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn so với GDP (gần 0,8% GDP năm 2022). Số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư chứng khoán khoảng 300.000, chiếm 0,3% dân số.

Trong khi đó, tại Thái Lan, năm 2021, nước này có 23 công ty quản lý quỹ, 1.365 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng 143 tỷ USD, tương đương 28% GDP. GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay ở mức hơn 7.000 USD/người.

Tại Malaysia, một nước đã có thị trường quản lý quỹ phát triển tương đối lâu, hiện có 95 công ty quản lý quỹ, 759 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng 104 tỷ USD, tương đương 11% GDP. GDP bình quân đầu người của Malaysia ở mức 12.500 USD/người.

Theo kinh nghiệm của các nước, khi GDP bình quân đầu người tăng thì tiềm năng của thị trường quản lý quỹ cũng có xu hướng tăng, do nhu cầu tích lũy, đầu tư, quản lý tài sản gia tăng.

Tổng giá trị tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ tính đến cuối năm 2023 ước đạt 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2022.

Hoạt động quản lý quỹ tại Việt Nam có dư địa phát triển, nhưng trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục phát triển hoạt động của các quỹ đầu tư, đa dạng hóa phương thức phân phối chứng chỉ quỹ trên môi trường mạng, chuẩn hóa các dịch vụ quỹ theo thông lệ, đồng thời phải kiểm soát, quản trị rủi ro hoạt động quản lý quỹ trong thời kỳ mới để tránh những tổn thất gây thiệt hại cho nhà đầu tư và uy tín của thị trường. Hiện nay, 25% đại lý phân phối có hình thức giao dịch online, 11/25 công ty quản lý quỹ có quỹ mở triển khai giao dịch online.

Bên cạnh đó, các chính sách về thuế đối với hoạt động quản lý quỹ ở Việt Nam còn chưa ưu đãi và thực sự chưa khuyến khích phát triển lĩnh vực quản lý quỹ so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư bảo hiểm. Thu nhập của nhà đầu tư cá nhân từ tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi nhà đầu tư cá nhân thu nhập từ quỹ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5% số tiền nhận được.

Ngoài ra, nhận thức cộng đồng về sản phẩm quỹ đầu tư và các dịch vụ quản lý quỹ còn hạn chế. Hầu hết nhà đầu tư trong nước vẫn có thói quen tự đầu tư thay vì đầu tư vào các quỹ đầu tư, ủy thác tài sản qua các công ty quản lý quỹ quản lý.

Một số vấn đề khác như ngành quỹ thiếu nguồn lực phát triển các sản phẩm tài chính, quỹ đầu tư theo tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG); công bố thông tin về ESG còn hạn chế; thiếu các quy định cụ thể về ESG và khó khăn trong việc đánh giá các cam kết ESG.

Bốn nhóm giải pháp

Để phát triển hoạt động quản lý quỹ tương xứng với tiềm năng, chúng tôi cho rằng, có 4 nhóm vấn đề cần phải giải quyết: một là, xây dựng chính sách, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quản lý quỹ; hai là, nâng cao nhận thức đúng đắn của nhà đầu tư về hoạt động quản lý quỹ; ba là, tăng cường tính minh bạch, tuân thủ pháp luật của các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực quản lý quỹ, tăng đầu tư có trách nhiệm, khuyến khích mô hình quỹ ESG; bốn là, phối hợp chặt chẽ, tương tác tích cực giữa các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan (Ngân hàng Nhà nước, cơ quan an ninh, cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý thuế…), các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông, báo chí để thúc đẩy sự phát triển hoạt động quản lý quỹ.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, trong thời gian sắp tới, song song với các chính sách phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện phát triển hoạt động quản lý quỹ, cụ thể là tập trung vào một số nội dung sau.

Thứ nhất, trình các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý quỹ để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện.

Thứ hai, nghiên cứu để tiếp tục phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, tăng quỹ mở, quỹ ETF, đa dạng hóa phương thức phân phối chứng chỉ quỹ theo thông lệ; đồng thời tăng cường kiểm soát, quản trị rủi ro hoạt động quản lý quỹ.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung, ngành quỹ nói riêng. Tích cực cải thiện các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm tạo điều kiện cho ngành quỹ phát triển. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm quỹ đầu tư và các dịch vụ quản lý quỹ, quản lý danh mục ủy thác.

Thứ tư, nghiên cứu, kiến nghị chính sách về thuế phù hợp, công bằng giữa đầu tư thông qua quỹ và đầu tư vào gửi tiết kiệm để khuyến khích cho sự phát triển của hoạt động quản lý quỹ.

Thứ năm, thực hiện phát triển thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động quản lý quỹ nói riêng theo định hướng phát triển dài hạn là phát triển một nền tài chính xanh, thúc đẩy đầu tư vốn vào các sản phẩm xanh, có ích cho xã hội. Khuyến khích ngành quỹ đầu tư vào những sản phẩm tài chính tiệm cận các tiêu chuẩn về ESG theo xu hướng, thông lệ quốc tế.

Nhìn lại chặng đường phát triển trong thời gian qua có thể nói, hoạt động quản lý quỹ đã không ngừng nỗ lực, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với sự tham gia tích cực, chung tay xây dựng thị trường quỹ của các đơn vị và công chúng đầu tư, có thể kỳ vọng hoạt động quản lý quỹ của Việt Nam sẽ từng bước phát triển tương đồng với các nước phát triển trong khu vực.

Tin bài liên quan