Kỳ vọng “Rồng bay”

Kỳ vọng “Rồng bay”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc trò chuyện đầu năm với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vượt trội trong năm con Rồng.

Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Vì sao doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư?

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2023, Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 9.756 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 83 tỷ USD. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam về cả chất lượng và số lượng.

Điều đó chứng minh rằng, tại Việt Nam, chúng tôi đã có những điều kiện thuận lợi để đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp trong hoạt động đầu tư. Chẳng hạn, Samsung năm 1995 bắt đầu đầu tư vào Việt Nam và họ ghi nhận kết quả tích cực ngay trong thời gian đầu. Sau đó, họ ngày càng mở rộng thêm, năm 2008 chính thức sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh và đến giờ, gần 20 tỷ USD của Samsung đã được đầu tư vào Việt Nam.

LG cũng vậy, từ nhà máy sản xuất tivi đầu tiên tại Hưng Yên năm 1995, sau đó là nhà máy LG Electronics quy mô 1,5 tỷ USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), đến nay họ đã mở rộng đầu tư nhiều tỷ USD tại nhiều nhà máy khác…

Có thể nói, môi trường kinh doanh tại Việt Nam và lao động dồi dào ở Việt Nam làm cho chúng tôi yên tâm. Ngoài ra, những lĩnh vực truyền thống của Việt Nam như sản xuất giày dép, túi xách, may mặc… cũng là những lĩnh vực rất quan trọng và thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong các lĩnh vực này, chúng tôi hiện có nhiều nhà máy quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn nhân sự ở nhiều địa phương.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)

Ông đánh giá thế nào về chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam? Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc có gặp khó khăn gì trong quá trình đầu tư ở Việt Nam?

Pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam khá cởi mở và hiệu quả đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay trong việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam vẫn cần phải cải thiện hơn nữa các điều kiện của môi trường đầu tư, nhất là trình tự, thời gian phê duyệt những dự án liên quan đến đất đai, bất động sản, dự án năng lượng và một số dự án có yếu tố nhà nước. Quá trình đó gần đây có phần chậm trễ.

Chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đang phục hồi kinh tế hậu Covid-19, một số vấn đề còn khó khăn, nhưng cần phải thúc đẩy cải thiện thủ tục hành chính để giải quyết nhanh vướng mắc của một số dự án. Nếu được như vậy, vốn đầu tư của Hàn Quốc sẽ không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, mà còn có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Vậy còn vấn đề lãi suất, tiếp cận tín dụng thì sao?

Lãi suất và tín dụng là một trong những điều kiện không thể tách rời của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. So với các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…, lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam luôn cao hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang sử dụng vốn tín dụng ở Việt Nam.

Về tiếp cận tín dụng ở Việt Nam, chúng tôi thấy ngày càng gần gũi, hiệu quả hơn. Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn đã thành lập “Korea Desk” - khu vực riêng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuyên biệt và hỗ trợ tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trước đây, phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam chỉ sử dụng dịch vụ tại ngân hàng Hàn Quốc thì hiện nay họ đã sử dụng và quan tâm hợp tác với nhiều ngân hàng Việt Nam. Tôi cho rằng, ngân hàng Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu thêm về văn hoá và tập quán tài chính của Hàn Quốc để tăng hơn nữa khách hàng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Có hai vấn đề chúng tôi muốn kiến nghị trong lĩnh vực này. Thứ nhất, so với các nước khác thì quy định về thế chấp tài sản để vay vốn ở Việt Nam chặt chẽ hơn nhiều. Chúng tôi đề nghị, ngân hàng Việt Nam căn cứ vào quy mô, thành tích, kế hoạch tương lai… của doanh nghiệp Hàn Quốc để xem xét cấp tín dụng rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc dễ tiếp cận vốn tín dụng hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các quốc gia vẫn quy định lãi suất tiền gửi đối với USD, nhưng tại Việt Nam thì lãi suất đối với USD là 0%. Chúng tôi thường giao dịch bằng tiền USD, nhưng tiền USD nhàn rỗi gửi ngân hàng ở Việt Nam không được hưởng lãi suất. Tôi hy vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở mức độ nào đó sẽ cân nhắc về lãi suất USD để có thể tận dụng được nguồn tiền USD mà các nhà đầu tư Hàn Quốc và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đang gửi tại các ngân hàng Việt Nam.

Đầu năm là thời khắc để mỗi người, mỗi tổ chức lên kế hoạch mới, kỳ vọng mới. Ông có thể thể chia sẻ kỳ vọng vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm Giáp Thìn 2024?

Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực. Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ phát triển trở lại cùng với kinh tế toàn cầu và các bạn hàng trên thế giới sẽ đổ vốn vào Việt Nam nhiều hơn. Tăng trưởng kinh tế sẽ hơn hẳn năm ngoái.

Chúng tôi rất tự tin mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có ngành năng lượng. Nhiều dự án năng lượng hàng tỷ USD đang chờ đợi phê duyệt của Chính phủ. Nếu được phê duyệt, năm nay, kim ngạch đầu tư của Hàn Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Điều đó sẽ dẫn đến sự phát triển chung của các nhà đầu tư thứ phát của sản xuất công nghiệp.

Trong văn hoá của người Việt Nam, năm 2024 là năm Rồng. Con rồng mang ý nghĩa tốt đẹp về sự phát triển, thịnh vượng. Việt Nam hãy vươn lên vượt trội trong năm nay. Chúng tôi cũng sẽ có những đóng góp vào quá trình đó.

Tin bài liên quan