Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng mức độ hỗ trợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp chưa tương xứng với kỳ vọng (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng mức độ hỗ trợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp chưa tương xứng với kỳ vọng (Ảnh: M.Minh)

Kỳ vọng sẽ có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi chia sẻ một số trăn trở trong ngày đầu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV.

Trong ngày đầu diễn ra kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV (ngày 22/5), phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi nhanh với một số đại biểu Quốc hội về cảm xúc, những kỳ vọng, trăn trở của đại biểu đối với kỳ họp lần này.

Đại biểu Trần Văn Lâm: "Có băn khoăn nhất định, nhưng vẫn tin tưởng tương lai sẽ tốt đẹp hơn"

Đây là kỳ họp tương đối đặc biệt vì nó diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức. Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm khá thấp; bên cạnh đó là một loạt vấn đề khó khăn nổi lên như tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, xuất nhập khẩu suy giảm, nhiều công nhân thiếu việc làm, thị trường chứng khoán và bất động sản chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Ở ngoài nước thì căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự suy giảm nhu cầu tại một số thị trường lớn mà xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc vào...

"Là đại biểu Quốc hội, tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở khi đến với kỳ họp này", ông Lâm nói, song vẫn khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai.

Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng (Ảnh: quochoi.vn)

Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng (Ảnh: quochoi.vn)

Theo vị đại biểu, bên cạnh khó khăn thách thức thì vẫn có tín hiệu tích cực như: kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn nghiêng về xuất siêu...

Đặc biệt, chúng ta có được niềm tin lớn hơn đó là sự tích cực chủ động của Chính phủ trong các hành động tìm ra nguyên nhân, hạn chế của nền kinh tế và quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục.

"Ngay từ đầu năm, thậm chí là trong dịp Tết, Thủ tướng đã thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình giải ngân đầu tư công để thúc đẩy, tháo gỡ. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp giải quyết các tồn tại nổi lên trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, thúc đẩy giảm lãi suất ngân hàng... làm cho thị trường đang dần đi vào ổn định", vị đại biểu đoàn Bắc Giang nói.

Khi được hỏi quan điểm về vấn đề giảm lãi suất, đại biểu Trần Văn Lâm nói rằng: "Năm ngoái tôi đã chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vì sao người dân khó khăn mà ngân hàng vẫn lãi khủng, năm nay các báo cáo ngân hàng đã làm rõ hơn câu hỏi của tôi. Sự chia sẻ của ngân hàng là có, nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng và nhu cầu của nền kinh tế".

"Sự chia sẻ của ngân hàng là có, nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng và nhu cầu của nền kinh tế".

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Theo vị đại biểu, trong hoàn cảnh doanh nghiệp suy yếu như hiện tại, mức lãi suất cho vay vẫn đang cao.

"Giai đoạn Covid-19, ngân hàng giảm lãi suất huy động nhiều hơn lãi suất cho vay nên hệ thống ngân hàng vẫn ổn định. Tất nhiên ngân hàng ổn định là tốt, Ngân hàng Nhà nước đã có cố gắng nhất định nhưng tôi cho rằng trong điều hành, ngân hàng vẫn cần nỗ lực hơn", ông Lâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: "Kỳ vọng kỳ họp sẽ mở ra những “cánh cửa” mới cho phát triển kinh tế - xã hội"

Là Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, trong đó Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và xem xét thông qua tới 20 dự án luật, dự thảo Nghị quyết. Đây là những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (bên phải) phát biểu tại một buổi họp tổ Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (bên phải) phát biểu tại một buổi họp tổ Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Bà Sửu đặc biệt quan tâm những dự án luật như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… vì những luật này có mối quan hệ rất chặt chẽ, khăng khít với thị trường, cuộc sống.

Khi được hỏi kỳ vọng của bản thân đối với kỳ họp, bà Sửu cho biết, bà mong rằng Quốc hội sẽ đề ra được những quyết sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; từ đó mở ra cánh cửa mới cho phát triển kinh tế xã hội trong xu hướng mới.

Đây là lần đầu tiên áp dụng nghỉ giữa kỳ trong một kỳ họp Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết, đồng thời vẫn giải quyết được công việc ở địa phương. Bà Sửu cho rằng, công tác sắp xếp chương trình kỳ họp lần này rất phù hợp.

Cuối cùng, vị đại biểu kỳ vọng những nhân sự mới vừa được bầu sẽ có đủ đức đủ tài, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri cả nước.

Đại biểu Phạm Văn Hoà: "Kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển"

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đánh giá kỳ họp thứ 5 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng. Đặc biệt, nhiệm vụ lập pháp của kỳ họp này tương đối đồ sộ. Trong đó, một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri là dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: M.Minh)

Ông Hoà nhận định, dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, một số nội dung vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất;...

Ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua, quyết định, vị đại biểu kỳ vọng kỳ họp sẽ diễn thành công tốt đẹp với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân.

Những nội dung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, do đó theo ông Hoà, kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội.

"Đặc biệt, qua thảo luận tại kỳ họp, sẽ có giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Hoà nhận định.

Tin bài liên quan