Lại bội thực cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK-online) Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất là ngày 30/6/2010, các tổ chức tín dụng phải trình NHNN hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn để bảo đảm mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Thời gian không còn nhiều và trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng cung như hiện nay, đây sẽ là áp lực lớn đối với các ngân hàng nhỏ.

Hướng dẫn trên được ban hành hôm 10/5 nhưng tinh thần và chủ trương của nó đã được công bố từ năm 2008 để các ngân hàng có lộ trình thực hiện. Tuy vậy, tính đến đầu năm 2010 này vẫn có khoảng 20 ngân hàng phải chạy đua tăng vốn mới đáp ứng được quy định trên. Kết thúc mùa ĐHCĐ của các ngân hàng, lướt qua Nghị quyết ĐHCĐ nào cũng thấy có đề mục tăng vốn điều lệ.

“Dựa lưng” cổ đông lớn

Ngân hàng Tiên Phong có vốn điều lệ hiện tại là 1.750 tỷ đồng . Năm 2010, Ngân hàng sẽ sử dụng 250 tỷ đồng từ nguồn quỹ thặng dư vốn cổ phần, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận còn lại chưa phân phối của năm 2009 để tăng vốn điều lệ, bằng cách chia thưởng 25 triệu cổ phần phổ thông mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ dự kiến là 7:1. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm tối đa 100 triệu cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài (trong và ngoài nước) hoặc cổ đông hiện hữu.

Tien Phong Bank là ngân hàng có điều kiện tăng vốn khá dễ dàng bởi các cổ đông lớn là những tổ chức tên tuổi như FPT, MobiFone, Vinare. Thương hiệu của Ngân hàng cũng khá quen thuộc với các nhà đầu tư đại chúng, do đó cổ đông hiện hữu cảm thấy dễ chịu hơn khi phải nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Nói vậy, song không phải kế hoạch nào đặt ra cũng hoàn toàn khả thi. Năm 2009 ,VIB đã thực hiện 3 đợt tăng vốn điều lệ từ mức 2.000 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng.  Trong năm, Ngân hàng này dự kiến phát hành thêm tối đa 60 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ sở hữu chiếm tối đa 20% mức vốn điều lệ mới. Song việc đàm phán không kết thúc trước 31/12/2009, Ngân hàng đã phải dựa hoàn toàn vào cổ đông hiện hữu.

Với những ngân hàng có tên tuổi trên thị trường, có những tổ chức lớn là cổ đông sáng lập chuyện tăng vốn không phải là quá khó khăn, song đây lại là áp lực rất lớn với các ngân hàng nhỏ. Những cái tên như Vietbank, Ficombank, Western Bank, Kiên Long, Đại Á, Việt Nam Tín Nghĩa, Gia Định… mới chỉ được biết đến trong phạm vi nhỏ. Bên cạnh phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, tìm kiếm cổ đông lớn là cách làm khả thi hơn cả. WesternBank có vốn điều lệ hiện tại là 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và đang hoàn tất thủ tục tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, và tiếp theo sẽ tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010. Trong vòng 6 tháng nữa, có thêm 2.000 tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" trong bối cảnh như hiện nay không phải chuyện dễ. Để huy động vốn dễ dàng hơn từ công chúng, Ngân hàng này đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.

Ngân hàng TMCP Mỹ Xuyên có trụ sở tại An Giang, mới đây đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông và gọi thêm vốn từ các cổ đông tổ chức lớn như Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Tới thời điểm này, vốn điều lệ của Ngân hàng này là 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 2.524 tỷ đồng với 634 cổ đông là các cá nhân và tổ chức tài chính. Để tăng vốn thành công, Ngân hàng này bắt đầu chú ý tới chuyện làm thương hiệu và thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Tăng vốn, tăng chất lượng?

Việt Nam không khuyến khích thành lập ngân hàng mới, vì thế xét trên phương diện nào đó, giấy phép ngân hàng vẫn rất có giá trị. Kinh doanh tài chính luôn là một mảng hoạt động nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam quan tâm. Sau những thăng trầm của TTCK và cả việc thị trường bội thực do có quá nhiều cổ phiều ngân hàng nhằm đáp ứng quy định về vốn của Ngân hàng Nhà nước, cổ phiếu ngân hàng được nhận định sẽ tăng giá trị. Vì thế, cuộc đua của nhiều ngân hàng nhỏ được dự báo sẽ cùng về đích 3.000 tỷ đồng, sẽ chỉ có rất ít ngân hàng không thể đáp ứng được yêu cầu.  

Với những ngân hàng này, nên có biện pháp xử lý ra sao? Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng không trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, hoặc không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn, thì dứt khoát chậm nhất đến ngày 30/9/2010 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân theo luật định, bao gồm sáp nhập, hơp nhất, mua lại, tự giải thể… Chậm nhất đến ngày 30/10/2010 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo thống đốc ngân hàng Nhà nước, nêu rõ thực trạng hoạt động, đánh giá tính khả thi của phương án chấm dứt tư cách pháp nhân và đề xuất quan điểm xử lý.

Bên lề chuyện tăng vốn, có không ít ngân hàng nhỏ than khó khăn và cho rằng như thông lệ các nước nên có cả ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, đáp ứng các nhu cầu khác nhau trên phân khúc thị trường. Có ý kiến đề xuất nên lùi thời hạn cho các ngân hàng thêm một thời gian nữa thay vì chốt giờ "G" vào cuối năm 2010.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cả chuyên gia trong ngành lẫn giới chuyên gia độc lập đều cho rằng: không nên khoan nhượng. Theo Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, nên kiên quyết buộc những tổ chức tín dụng không nâng đủ vốn điều lệ theo quy định phải sáp nhập với nhau. Không nên để quá nhiều ngân hàng nhỏ, làm thị trường rối thêm, cần giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng đang hiển diện khá đông và tăng chất lượng hoạt động của các ngân hàng.