Lãi suất cơ bản đã hết thời

Lãi suất cơ bản đã hết thời

(ĐTCK-online) Theo thông lệ, vào đầu tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại công bố mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam nhưng sự tồn tại của nó đang ngày một vô nghĩa. Câu chuyện lãi suất cơ bản được đặt ra từ năm 2002. Đến năm 2004, câu chuyện này tiếp tục được đề cập đến. Tựu trung là những đề xuất bỏ loại lãi suất này bởi sứ mệnh của nó đã hết thời và nay, khi lãi suất trên thị trường có nhiều biến động, một lần nữa vai trò của lãi suất cơ bản lại càng trở nên nhạt nhoà.

Vang bóng một thời

Lãi suất cơ bản bắt đầu được ấn định, đi vào “đời sống” của các ngân hàng thương mại và hoạt động cho vay trong nền kinh tế nói chung từ tháng 8/2000. Những năm sau đó, cùng với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cơ bản tạo thành bộ ba quan trọng trong “rổ” công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Riêng với lãi suất cơ bản, vai trò và sứ mệnh của nó từng được đề cao ở bước chuyển về quan điểm điều hành từ cơ chế trần sang từng bước tự do lãi suất. Đây là vai trò quan trọng, gắn với sự chuyển mình của hoạt động tín dụng, tiến tới định hướng thị trường.

Trước khi lãi suất cơ bản ra đời, NHNN từng ban hành nhiều loại lãi suất khác nhau, áp dụng cho các loại đối tượng, thành phần kinh tế khác nhau, có sự phân biệt giữa quốc doanh, tư nhân và có cả “ưu đãi” lãi suất. Cơ chế này dần được thay thế bằng những bước đi thận trọng theo hướng thỏa thuận, bỏ dần tính bao cấp để tịnh tiến theo thị trường. Từ sau năm 1996, NHNN bắt đầu thực hiện xóa bỏ lãi suất trần, chỉ ấn định lãi suất trần cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Đến tháng 10/1996, NHNN lại ấn định đến 4 trần lãi suất khác nhau: cho vay ngắn hạn vùng thành thị, cho vay ngắn hạn vùng nông thôn, cho vay trung - dài hạn và trần lãi suất cho vay của quỹ tín dụng nhân dân và hợp tác xã tín dụng có mức cao nhất.

Tháng 8/2000, lãi suất cơ bản ra đời, cơ chế điều hành lãi suất tiến thêm một bước quan trọng, đây được xem là hành lang mới đối với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, các ngân hàng không được tính lãi suất cho vay vượt quá lãi suất cơ bản +0,3%/tháng đối với vốn ngắn hạn và +0,5%/tháng đối với vốn trung, dài hạn. Theo đó, các mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố thực sự là một thông số quan trọng, quyết định đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, trực tiếp liên quan đến lạm phát và thực sự là công cụ điều hành có ảnh hưởng lớn trên thị trường tiền tệ.

 

Tự do và lạc hậu

Sứ mệnh của lãi suất cơ bản cơ bản đã hoàn thành trước tháng 6/2002 khi NHNN chính thức thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận; không can thiệp trực tiếp lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại bằng lãi suất cơ bản và biên độ như trước, mà họ được tự ấn định lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, theo thẩm định uy tín của từng khách hàng, hiệu quả của từng dự án. Tự do đến và lạc hậu cũng tới nhanh đối với lãi suất cơ bản nhưng từ đó đến nay, lãi suất này vẫn được công bố đều đặn hàng tháng.

Khi còn đương nhiệm, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng từng thừa nhận, lãi suất cơ bản không còn ý nghĩa để điều chỉnh một hoạt động, một tín hiệu thị trường nào cả. Sứ mệnh của nó đã hoàn thành, giá trị còn lại được ghi nhận ở vai trò làm cơ sở để các ngân hàng thương mại tham khảo, ấn định lãi suất kinh doanh. Nhưng, với cả vai trò này, những năm gần đây và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cơ bản đã trở nên khô cứng. Bởi trên thực tế, lãi suất trên thị trường liên tục biến động, trong khi lãi suất cơ bản vẫn đứng yên từ đầu năm đến nay.

Với các ngân hàng thương mại, những đầu mối trực tiếp “sống” với lãi suất từ lâu cũng đã “hờ hững” với lãi suất cơ bản. Điều họ quan tâm nhất hiện nay là cung cầu vốn và mặt bằng lãi suất trên thị trường. “Can thiệp” cụ thể nhất đối với chính sách lãi suất của mỗi ngân hàng hiện nay là thỏa thuận giữa các thành viên thông qua đầu mối là Hiệp hội Ngân hàng. Lãi suất nóng, các thành viên ngồi lại với nhau, cùng thống nhất trần lãi suất thỏa thuận, cụ thể ở các kỳ hạn. Lãi suất cơ bản không có mặt trong những lần ngồi lại như thế. Tuy nhiên, ngay cả khi có trần tự thỏa thuận giữa các ngân hàng, lãi suất thực tế vẫn khó nằm trong khuôn khổ. Hiện tại, lãi suất của nhiều thành viên đã “phá rào” thỏa thuận. Hiệp hội Ngân hàng đã lên tiếng nhưng khó có được tiếng nói chung.

Trở lại với vai trò của lãi suất cơ bản, một số chuyên gia cho rằng, NHNN không cần thiết phải ban hành loại lãi suất này bởi sự lạc hậu của nó. Tuy nhiên, lựa chọn sự thay thế như thế nào, hiện vẫn chưa có quan điểm thống nhất. Có ý kiến đề cao lãi suất thị trường mở hoặc lãi suất liên ngân hàng, trong khi có đề xuất thay thế bằng lãi suất tái chiết khấu hoặc lãi suất tái cấp vốn đang được trọng dụng hiện nay.