Ông Trần Hoài Nam.

Ông Trần Hoài Nam.

Lãi suất huy động VND chưa quá “nóng”

(ĐTCK) Nhu cầu vay VND dâng cao nên nhiều ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất hiện nay vẫn nằm trong khuôn khổ tính hiệu quả kinh doanh. Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã nhận định như vậy khi trao đổi với ĐTCK về một số vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng gần đây của các ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng thương mại vừa có thỏa thuận về việc hạ lãi suất huy động và cho vay USD. Việc này có ảnh hưởng gì đến hoạt động của các ngân hàng cổ phần, khi trước đó đã huy động USD với lãi suất khá cao?

Xu hướng giảm lãi suất cho vay USD là xu hướng tốt cho toàn hệ thống ngân hàng. Việc doanh nghiệp chỉ vay tiền đồng sẽ khiến cán cân cung - cầu USD và VND có sự lệch nhau, vì đầu vào USD tăng mạnh hơn đầu ra. Và các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc giải ngân USD. Động thái giảm lãi suất cho vay và huy động USD nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân nhắc trước khi quyết định vay vốn bằng VND hay USD. Điều này cũng tạo ra sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra về vốn USD cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà trong việc vay vốn bằng USD, vì còn e ngại rủi ro tỷ giá?

Phản ánh này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất USD chỉ là một kênh để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, cũng như đây cũng chỉ là một biện pháp để tăng cường giải ngân vốn USD cho các ngân hàng. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp kèm theo để bình ổn tỷ giá và khuyến khích doanh nghiệp vay USD.

Với mức lãi suất huy động USD thấp như hiện nay, các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc đến hiệu quả kinh tế giữa chênh lệch tỷ giá và lãi suất ngân hàng để quyết định việc bán USD để gửi bằng VND hay tiếp tục gửi USD tại ngân hàng.

Về cuộc đua lãi suất huy động VND, không chỉ bản thân các ngân hàng thương mại, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng bắt đầu tỏ ra lo ngại. Theo ông, cuộc đua lãi suất đã thực sự “nóng” chưa?

Chính sách cạnh tranh lãi suất luôn là một yếu tố gây trở ngại lớn cho các ngân hàng thương mại. Việc các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất đang gây lo ngại về một cuộc đua. Nhưng đến thời điểm này, tôi vẫn chưa cảm nhận thấy độ “nóng” của những đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, trong tương lai thì không thể đoán trước được. Việc tăng lãi suất huy động phụ thuộc nhiều vào nhu cầu chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là tín hiệu phục hồi của nền kinh tế.

Nếu tín hiệu phục hồi rõ nét hơn, các doanh nghiệp lạc quan hơn thì có khả năng lãi suất sẽ trở thành vấn đề rất “nóng” trong việc huy động vốn của các ngân hàng. Ngược lại, nếu tình hình kinh tế vẫn ở mức như hiện nay thì nhu cầu về tín dụng sẽ không quá bùng nổ và áp lực huy động vốn của các ngân hàng cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định.

Lãi suất huy động tăng khá cao, trong khi lãi suất cho vay lại không được điều chỉnh tăng. Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay VND hiện nay có đủ để tạo lợi nhuận cho các ngân hàng?

Đây là bài toán về cung - cầu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2009 tăng rất chậm, sang đến tháng 5 mới tăng nhanh, cộng với yếu tố thị trường chứng khoán phục hồi mạnh nên nhu cầu về nguồn vốn VND tăng cao. Thay vì nằm trong ngân hàng thì một luồng vốn đã được đổ vào những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng... Cán cân cung - cầu của VND bắt đầu có xu hướng biến động, vì đầu ra bắt đầu tăng nên các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động cho hợp lý.

Tuy nhiên, các ngân hàng chủ yếu tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài và kỳ hạn này chỉ chiếm một phần nhất định trong luồng vốn huy động. Trong khi đó, các ngân hàng đều cân đối nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn, sao cho đảm bảo hoạt động của toàn hệ thống.

Vì vậy, việc huy động các nguồn vốn này vẫn nằm trong khuôn khổ tính hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Để bù lại phần chênh lệch khi tăng lãi suất huy động mà không giảm được lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ tìm các công cụ bán chéo sản phẩm để tăng nguồn thu. Cho vay tiêu dùng cũng là một kênh tốt tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng hiện chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, bởi ngân hàng phải nhìn nhận rủi ro trước khi có những quyết định cho vay, dù lãi suất cho vay có hấp dẫn.