Lãi suất cho vay USD bình quân trên thị trường chỉ vào khoảng 6,5%-6,8%/năm.

Lãi suất cho vay USD bình quân trên thị trường chỉ vào khoảng 6,5%-6,8%/năm.

Lãi suất tín dụng nhà nước kém hấp dẫn

(ĐTCK-online) CTCP Thái Hòa là một trong những DN đã được vay tín dụng đầu tư và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước 4 - 5 năm nay với doanh số vay hàng năm khá lớn. Hiện tại, DN thành viên của Thái Hòa tại Lâm Đồng đang có dư nợ tín dụng đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan và đang làm thủ tục để tiếp tục vay vốn tín dụng xuất khẩu trong quý IV.

Công ty mẹ (tại Hà Nội) cũng như các thành viên khác của Thái Hòa tại Nghệ An, Quảng Trị… cũng đang là "khách hàng ruột" của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB - tổ chức chịu trách nhiệm cung ứng vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước) với dư nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc CTCP Thái Hòa vẫn cho rằng, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ của Nhà nước ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn so với vốn vay thương mại do "sức hút" mạnh nhất của nguồn vốn tín dụng nhà nước (TDNN) là lãi suất đã giảm dần. "Nhiều DN mặc dù đáp ứng đủ các điều kiện để vay vốn TDNN nhưng đang có xu hướng thay vì vay của VDB đã và đang chuyển sang vay vốn của NHTM. Mặc dù vay thương mại phải trả lãi suất cao hơn nhưng bù lại, cơ chế cho vay thông thoáng hơn, cho vay linh hoạt hơn, thời gian thẩm định hồ sơ tín dụng và thời gian giải ngân của NHTM nhanh chóng, thuận tiện hơn của VDB", ông Hòa giải thích.

Theo Quyết định 133/2001/QĐ-TTg trước đây, lãi suất cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu bằng 80% lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Theo Nghị định 106/2004/NĐ-CP, lãi suất cho vay đầu tư được xác định bằng 70% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các NHTM nhà nước. Còn hiện tại, thực hiện theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP (thay thế Quyết định 133/2001/QĐ-TTg và Nghị định 106/2004/NĐ-CP), lãi suất tín dụng đầu tư VNĐ được tính bằng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%/năm, lãi suất cho vay ngoại tệ được tính bằng lãi suất Sibor kỳ hạn 6 tháng cộng thêm tỷ lệ phần trăm; lãi suất tín dụng xuất khẩu bằng VNĐ và ngoại tệ được giao cho Bộ Tài chính (BTC) công bố tối đa 2 lần/năm theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường. BTC vừa công bố lãi suất cho vay TDNN (thực hiện từ đầu tháng 10/2007). Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư bằng VNĐ là 9%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 7,5%/năm; lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng VNĐ là 8,7%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm. Như vậy, so với lãi suất cũ (theo Quyết định 08/2007/QĐ-BTC) được ban hành vào đầu năm 2007 - thời điểm lãi suất thị trường khá cao, thì mức lãi suất mới vẫn được giữ nguyên (trừ lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu giảm nhẹ từ mức 9%/năm xuống còn 8,7%/năm) mặc dù lãi suất VNĐ và USD trên thị trường đã giảm.

Hiện tại, lãi suất cho vay VNĐ của các NHTM không cao hơn nhiều so với lãi suất TDNN, còn lãi suất cho vay USD bình quân trên thị trường chỉ vào khoảng 6,5% - 6,8%/năm, thấp hơn lãi suất TDNN. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến TDNN giảm sự hấp dẫn. Đứng trước thực tế này, một quan chức VDB cho biết, VDB đã đề nghị BTC giảm lãi suất cho vay TDNN xuống 8,4%/năm đối với VNĐ và 6,6%/năm đối với ngoại tệ, tuy nhiên BTC không đồng ý. Và như vậy, VDB vẫn phải thực hiện theo mức lãi suất hiện hành cho dù lãi suất trên thị trường, đặc biệt lãi suất cho vay bằng USD tiếp tục giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến việc giải ngân nguồn vốn TDNN năm 2007 khó hoàn thành kế hoạch, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, là do các văn bản pháp quy về vấn đề này ban hành quá chậm. Cụ thể, Nghị định 106/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006, nhưng phải đến tháng 12/2006 Chính phủ mới ban hành Nghị định thay thế (Nghị định 151/2006/NĐ-CP) và phải đến cuối tháng 6/2007, BTC mới ban hành Thông tư 69/2007/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này. Mặc dù vào ngày 15/7/2007, Thông tư 69/2007/TT-BTC đã có hiệu lực, nhưng để đi vào cuộc sống thì phải mất thêm 2 tháng nữa, bởi phải chờ VDB ban hành quy chế hướng dẫn. "Dù muốn thực hiện ngay chính sách TDNN, song VDB không thể thực hiện được khi BTC chưa ban hành thông tư hướng dẫn", ông Dũng nói. Một quan chức khác của VDB kết luận: "Trên thực tế, Nghị định 151/2006/NĐ-CP đã bị "vô hiệu hóa" trong suốt 6 tháng đầu năm, điều này giải thích vì sao việc giải ngân vốn TDNN năm 2007 gặp khó khăn".