Lại tiếp tục tăng nóng trở lại, điệp khúc “le lói rồi vụt tắt” liệu một lần nữa xảy ra với CTP?

Lại tiếp tục tăng nóng trở lại, điệp khúc “le lói rồi vụt tắt” liệu một lần nữa xảy ra với CTP?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khoảng thời gian trầm lắng, cổ phiếu Công ty cổ phần Minh Khang Capital Trading Public (CTP - HNX), được biết tới với ngành nghề cốt lõi là kinh doanh cà phê, lại bất ngờ tăng nóng trở lại.

Điệp khúc "le lói rồi vụt tắt"

Gần đây, giá cổ phiếu CTP đã có chuỗi ngày tăng vọt. Từ phiên giao dịch ngày 13/8/2020, cổ phiếu CTP bất ngờ tăng trần và duy trì sắc tím trong 5 phiên liên tiếp, từ mức giá 2.300 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 12/8) lên 3.400 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 19/8), với khối lượng cổ phiếu tăng dần theo thời gian. 

Trong đó, đỉnh điểm là phiên giao dịch 18/8/2020, tổng khối lượng giao dịch lên tới gần 680.000 cổ phiếu, gấp cả chục lần so với nhiều phiên giao dịch trước đó.

Trong quá khứ, cổ phiếu này cũng có những đợt sóng tăng ngắn đột biến rồi lại vụt tắt.

Chẳng hạn, giai đoạn giữa tháng 3/2017, chỉ trong vòng từ ngày 10 - 17/3, cổ phiếu CTP bất ngờ tăng trần liên tục 6 phiên, tăng giật cục từ mức giá hơn 14.200 đồng/cổ phiếu lên hơn 23.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch tăng gấp đôi, gấp 3 so với giai đoạn trước đó.

Thông tin hỗ trợ vào thời điểm đó là đến từ kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2016 với doanh thu thuần đạt 180 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước và vượt 49% kế hoạch; lãi ròng cũng gấp hơn 2 lần, lên mốc 13 tỷ đồng, vượt 11% chỉ tiêu cả năm. Nối tiếp thành công năm 2016, CTP đã tổ chức ĐHCĐ thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 tăng trưởng mạnh, với doanh thu dự kiến đạt 230 tỷ đồng, lãi ròng đạt 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 76%.

Tưởng rằng một kết quả đột biến và tương lai tốt đẹp có thể giúp cổ phiếu CTP duy trì sóng lớn, nhưng đà tăng này cũng chỉ duy trì được 7 phiên. Khi đạt đỉnh tại mức 23.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 17/3/2017), CTP lại nhanh chóng rớt về vùng giá 11.800 đồng/cổ phiếu chỉ chưa đầy tháng sau đó (giá đóng cửa phiên 12/4/2017), để lại không ít "nỗi đau" nhà đầu tư vào đua sóng.

Ngay sau thời điểm đó, ông Võ Quang Thắng, tân Chủ tịch HĐQT đã nhanh chóng đăng ký mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu CTP, tuy nhiên, thông tin này cũng không giúp cổ phiếu CTP có đợt sóng mới.

Đến trung tuần tháng 6/2017, thị giá cổ phiếu CTP lại “nổi sóng”, bắt đầu từ ngày 9/6/2017 đến 6/7/2017, từ mức giá 11.900 đồng/cổ phiếu, CTP duy trì chuỗi 20 phiên tăng trưởng ấn tượng với chỉ 1 phiên tăng nhẹ, 1 phiên không biến động, còn lại 17 phiên tăng vọt, cùng khối lượng giao dịch tăng đột biến lên hàng trăm ngàn cổ phiếu. Trong đó, đáng chú ý có 2 phiên sát trần và 8 phiên kịch trần, đưa giá cổ phiếu CTP tăng gấp 2,74 lần trong vòng chưa đầy tháng, lên 32.700 đồng/cổ phiếu.

Một thông tin được cho là hỗ trợ tốt cho đà tăng của CTP trong giai đoạn này là việc Công ty muốn thay đổi hình thức trả cổ tức 10% năm 2016 bằng cổ phiếu sang bằng tiền. Bên cạnh đó, ngày 3/7/2017, HĐQT CTP đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5% theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2017. Thời gian thanh toán cổ tức từ ngày 1/8/2017.
Tuy nhiên, mức giá 32.700 đồng/cổ phiếu cũng là mức giá cao nhất của CTP kể từ thời điểm bắt đầu niêm yết (ngày 28/7/2016), bởi ngay sau đó cổ phiếu rơi vào giai đoạn trượt dài với điệp khúc chỉ giảm, giảm sâu hoặc nằm sàn.
Từ giữa tháng 9/2017 là chuỗi giảm mạnh nhất của CTP, đặc biệt là từ đầu tháng 10/2017, CTP ghi nhận 4 phiên nằm sàn liên tiếp. Tới giữa tháng 10/2017, cổ phiếu gần như mất sạch thành quả tăng trưởng đợt tháng 6/2017.
Trước diễn biến giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, các thành viên HĐQT bao gồm cả Chủ tịch HĐQT Võ Văn Thắng và Thành viên HĐQT Võ Thanh Việt đăng ký mua vào cổ phiếu với khối lượng lớn, nhưng cũng không thể giúp cổ phiếu hồi phục nhiều. Kết quả, kết thúc năm 2017, cổ phiếu CTP đứng tại mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Bước sang năm 2018, mặc dù có giai đoạn giằng co thời điểm đầu năm, tuy nhiên sau đó cổ phiếu CTP đã nhanh chóng đổ đèo về mức giá tương đương mức giá một cốc trà đá và gần như duy trì cho tới đợt tăng giá vừa qua (từ phiên ngày 12/8/2020).

Đáng lưu ý, chiều giảm của cổ phiếu CTP trong giai đoạn 2018 - 2019 cũng theo cùng với kết quả kinh doanh đi xuống khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm dần đều với điệp khúc báo lỗ các quý đầu năm và chỉ may mắn thoát lỗ vào quý cuối cùng của năm 2018, 2019.

Trong đó, năm 2018, việc thoát lỗ của CTP gây nhiều dấu hỏi với nhà đầu tư khi các khoản phải thu ngắn hạn bất ngờ tăng đột biến trong quý này kèm theo đó là gia tăng mạnh các khoản phải trả người bán ngắn hạn. Trong khi đó, khoản tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn lại gần như không biến động.

Lại tiếp tục tăng nóng trở lại, điệp khúc “le lói rồi vụt tắt” liệu một lần nữa xảy ra với CTP? ảnh 1

Kể từ khi niêm yết trên HNX từ tháng 7/2016, cổ phiếu CTP có nhiều giai đoạn vụt sáng rồi vụt tắt 

Lĩnh vực kinh doanh mới... có tạo sóng?

Theo báo cáo cáo tài chính quý II/2020 vừa công bố, lũy kế 6 tháng, nhờ doanh thu gia tăng cùng với cắt giảm được các chi phí về tài chính và quản lý doanh nghiệp, nên CTP chỉ báo lỗ khoảng hơn 73,5 triệu đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước lỗ hơn 4,3 tỷ đồng.

Một trong những nhân tố giúp hoạt động kinh doanh của Công ty ổn định trở lại có thể là sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới khi cuối năm 2019, CTP đã thay đổi cơ cấu cổ đông tại doanh nghiệp.

Cụ thể, nhóm cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Thủy, ông Võ Quang Thành, ông Võ Thanh Việt, và ông Võ Văn Thắng lần lượt đăng ký thoái sạch vốn khỏi CTP. Thay vào đó là sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới dẫn đầu bởi ông Nguyễn Tuấn Thành, đương kim Chủ tịch HĐQT hiện tại của CTP.

Tuy nhiên, việc ghi nhận từ báo cáo tài chính quý I/2020 và quý II/2020 khả quan trở lại dường như không hoàn toàn nhờ vào việc nhóm cổ đông mới đã phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê – ngành kinh doanh cốt lõi ban đầu, mà chủ yếu là nhờ việc thu hồi công nợ từ trước đó, đồng thời thoái vốn dần khỏi các công ty con hoạt động trong lĩnh vực cà phê được thành lập bởi các cổ đông sáng lập cũ.

Công việc này thực chất đã bắt đầu diễn ra từ cuối quý IV/2019 sau phiên Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối tháng 11/2019 của CTP. Theo đó, ngoài việc thay đổi tên nhận diện mới từ CTCP Cà phê Phú Thượng sang tên gọi mới là CTCP Minh Khang Capital Trading Public như hiện tại, CTP cũng bất ngờ xin ý kiến và thông qua Nghị quyết thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Nasan Việt Nam và Công ty cổ phần Cà phê Avina.

Chưa kể, bước sang năm 2020, sau khi hoàn tất thoái vốn khỏi 2 công ty trên, CTP cũng bất ngờ thông qua nghị quyết và chi tới hơn 108,3 tỷ đồng để đầu tư mua đất chuẩn bị triển khai dự án bất động sản tại Tiền Giang.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra cách đây không lâu, mặc dù vẫn khẳng định sẽ đẩy mạnh phát triển kế hoạch xây dựng chuỗi cà phê và phát triển thương hiệu mới, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới, nhưng Ban lãnh đạo mới của Công ty đã nhấn mạnh việc kinh doanh bất động sản mới là ngành kinh doanh cốt lõi. 

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ này, CTP cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi thông qua phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn sau khi bổ sung sẽ được CTP thực hiện cho kế hoạch phát triển mở rộng mảng bất động sản của mình.

Dẫu vậy, cần lưu ý rằng, kế hoạch chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh mới này của CTP sẽ gặp không ít thách thức bởi lẽ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến cho toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản "đứng hình".

Thêm vào đó, diễn biến thời gian vừa qua cho thấy, tỉnh Tiền Giang cũng đang đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động giao dịch đất nền sau những cơn sốt bất thường diễn ra hồi cuối 2019.

Hồi đầu năm 2019, CTP dù giá cổ phiếu chỉ lẹt đẹt 2.000 - 3.000 đồng/CP nhưng Công ty vẫn nộp hồ sơ chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên, sau đó, đề xuất này đã không được chấp thuận do hồ sơ không đầy đủ.

Tin bài liên quan