Lãi từ phí bảo hiểm năm 2023 của ngân hàng sẽ giảm 10-15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh khó khăn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, những quy định mới về việc siết bancassurance, càng khiến lợi nhuận từ mảng bảo hiểm của ngân hàng dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2023.
Lãi từ phí bảo hiểm năm 2023 của ngân hàng sẽ giảm 10-15%

Kiểm soát chặt bancassurance

Trong nội dung Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ thì hoạt động đại lý bảo hiểm cũng là vấn đề cần được lưu tâm.

Đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, công văn của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 và các nghị định liên quan.

Đồng thời, nhà băng cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thay vì phân phối độc quyền.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm: nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.

Các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm cần bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng; nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trước đó, ngành bảo hiểm nhân thọ đã đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin. Bộ Tài chính và NHNN đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh gửi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm về hoạt động bancassurance.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life, chỉ ra hoạt động bancassurance có nhiều sai phạm, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.

Với thực trạng trên, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần tách bạch nghiệp vụ giữa ngân hàng và bảo hiểm. Sự hợp tác chỉ nên dừng ở việc ngân hàng giới thiệu khách, còn việc tư vấn là do hãng bảo hiểm trực tiếp làm và ngược lại.

Doanh thu mảng bảo hiểm giảm

Sau nhiều ồn ào xoay quanh các khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua ngân hàng (bancassurance) đã tụt dốc đáng kể trong nửa đầu năm 2023, có nơi giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, SeABank ghi nhận giảm hơn 81% so với cùng kỳ, chỉ thu về 46 tỷ đồng từ bảo hiểm sau nửa đầu năm 2023; Kienlongbank với mức giảm 63%, thu về 11 tỷ đồng; TPBank, Techcombank và VIB lần lượt ghi nhận thu nhập ở mức 223 tỷ đồng, 290 tỷ đồng và 315 tỷ đồng, giảm mạnh lần lượt 55%, 53% và 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, doanh thu từ mảng bảo hiểm của MB trong nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức giảm hơn 17% so với cùng kỳ, trong khi giai đoạn từ năm 2019-2022 liên tục tăng trưởng; tại VPBank ghi nhận mức giảm 8%, tương ứng đạt 1.385 tỷ đồng...

Nhận định được đưa ra từ VCBS, thu nhập từ bán chéo bảo hiểm của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, trong khi thu nhập của người dân giảm sút vì kinh tế khó khăn.

VCBS dự báo, lãi từ phí bảo hiểm cả năm nay sẽ giảm 10-15% so với năm ngoái, kéo theo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 10%.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Do đó, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng về triển ngành trong nửa sau của năm 2023.

Báo cáo mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng, tăng 15,4%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng, tăng 14,4%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục thống kê, thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm, nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường. Qua đó, giúp các doanh nghiệp này tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.

Tin bài liên quan