Tư vấn viên/đại lý là những người tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp nhất với khách hàng của công ty bảo hiểm

Tư vấn viên/đại lý là những người tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp nhất với khách hàng của công ty bảo hiểm

Nỗi niềm đại lý bảo hiểm thời khủng hoảng niềm tin

(ĐTCK) Áp lực giữ chân khách hàng cũ cũng như phát triển khách hàng mới trong giai đoạn khó khăn đỉnh điểm của ngành bảo hiểm nhân thọ đã khiến nhiều đại lý mệt mỏi, chán nản, thậm chí chấp nhận bỏ nghề.

“Giông bão” trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa tan. Tuần qua, một nhóm khách hàng đã kéo tới văn phòng đại diện tại phía Bắc của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần hàng đầu (nằm trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để căng băng rôn phản ánh việc sổ tiết kiệm tại ngân hàng bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của công ty trên. Các khách hàng này cũng yêu cầu phía công ty bảo hiểm huỷ hợp đồng và hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng.

Chia sẻ với người viết, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ có thâm niên trong nghề thừa nhận, mỗi khi chứng kiến hoặc đọc được những thông tin về thái độ tiêu cực của khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, họ không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, bất lực.

“Chúng tôi không còn cảm thấy lạ lẫm hay quá hụt hẫng, bởi trước đó đã chứng kiến nhiều cảnh tương tự. Nhưng không ít khách hàng khi nghe đâu đó những thông tin thế này lại đòi hủy hợp đồng, hoàn lại toàn bộ số tiền bảo hiểm đã đóng”, chị Vũ Quỳnh Anh, đại lý bảo hiểm nhân thọ đã hành nghề được gần 20 năm bộc bạch.

Anh Nguyễn Minh Đức, đại lý bảo hiểm nhân thọ vào nghề được 6 năm cho biết, giai đoạn này, công ty anh làm việc không còn cảnh khách hàng đòi hủy hợp đồng trên diện rộng, nhưng thi thoảng vẫn nhận được yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm từ khách hàng.

“Tình trạng này nếu không sớm được ngăn chặn thì không hiểu sẽ có bao nhiêu đại lý bám trụ được?”, anh Đức cảm thán.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, sau một số vụ ồn ào liên quan tới bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ bị tổn hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của toàn ngành. Đại lý bảo hiểm, ở vị trí tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp nhất với khách hàng, như đứng ở vị trí “đầu sóng ngọn gió” trong cuộc khủng hoảng niềm tin này.

Không chịu được áp lực doanh số khi làm đại lý (cho một công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập được 7 năm), chị Nguyễn Thúy Hiền đã xin chuyển sang làm việc tại vị trí chăm sóc khách hàng. Dù giai đoạn này, khách hàng gọi điện và trực tiếp đến công ty bảo hiểm để tìm hiểu thông tin về hợp đồng bảo hiểm tăng gấp nhiều lần so với bình thường nhưng chị Hiền vẫn thấy “dễ thở hơn nhiều so với trước”.

Với đại lý bảo hiểm mới vào nghề, giai đoạn này, để đảm bảo doanh số là câu chuyện khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện bình thường. Anh Vũ Ngọc Sơn (đã có code đại lý được 1 tháng) than thở, dù rất nỗ lực nhưng anh vẫn chưa ký được hợp đồng nào. Người quản lý “bày” cho anh tạo doanh thu bằng cách cho khách hàng vay tiền để đóng hợp đồng bảo hiểm kỳ đầu tiên, sau đó sẽ nhận lại số tiền đó khi công ty trả hoa hồng cho hợp đồng bảo hiểm. Song, anh Sơn hoang mang đặt câu hỏi: Nếu mình liều lĩnh làm theo cách này, nhỡ cho khách hàng vay rồi sau đó họ không đóng bảo hiểm, cũng không trả lại thì sẽ ra sao?

Theo chuyên gia đào tạo bảo hiểm Hoàng Gia Phong, tình trạng tuyển đại lý và ép doanh số diễn ra tại hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm. Có tình trạng người quản xúi giục đại lý mới làm bất kỳ việc gì, miễn là có doanh số, khiến họ từ chỗ đầy khát vọng nhanh chóng vỡ mộng và rời bỏ nghề.

“Ngành bảo hiểm nhân thọ chỉ phát triển lành mạnh và nghề tư vấn bảo hiểm chỉ có thể thăng hoa khi những hiện tượng này bị loại bỏ”, ông Phong nói.

Tin bài liên quan