Làm điều mình ước muốn cho người khác

Làm điều mình ước muốn cho người khác

Năm 2014, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình Group sẽ ráo riết thực hiện một kế hoạch mà ông ấp ủ từ nhiều năm trước…

Bắt dao đang rơi

Những ngày đầu xuân 2014, cùng với việc hoàn thành nốt “kiệt tác xây dựng cuối cùng” trong cuộc đời mình là Dự án Hòa Bình Green City ở 505 - Minh Khai, Hà Nội, việc ông Đường tuyên bố tự mình làm trung tâm thương mại gần 20.000 m2 cho “hàng Việt Nam chất lượng cao” đã khiến nhiều người lo thay cho ông.

Bạn bè, người thân cho rằng, ông đâu có thiếu gì nữa mà phải “mua dây buộc mình”, cứ cho thuê dài hạn hoặc thuê công ty chuyên nghiệp khai thác thì ông sẽ đỡ mệt hơn nhiều. Nhiều người bảo, thời buổi hàng loạt trung tâm thương mại khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, việc ông sẽ làm giống như một người đang “bắt dao rơi”.

“Tôi đảm bảo, giá hàng bán tại Trung tâm thương mại Hòa Bình sẽ rẻ nhất Việt Nam. Tôi chỉ lấy lãi 5% để bù cho các chi phí quản lý, điện nước của Trung tâm thương mại”, ông Đường cho biết.

Cách làm của ông Đường là cung cấp mặt bằng miễn phí cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam bán sản phẩm ở Trung tâm Thương mại Hòa Bình với mức giá bán sỉ và họ chỉ trả phí điện nước, quản lý. Hoặc ông Đường sẽ mua hàng số lượng lớn với giá xuất kho và bán lại ở Trung tâm Thương mại Hòa Bình, với giá gốc cộng thêm 5% phí quản lý, điện nước.

Bên cạnh đó, ông Đường cũng tự bỏ tiền đầu tư sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Ông đã nhập khẩu các dây chuyền sản xuất kem, bánh mỳ, cà phê từ Italy về và chuẩn bị lắp đặt tại Trung tâm Thương mại Hòa Bình.

Hiện nay, ông cũng sắp hoàn thành việc mua lại một nhà máy sản xuất đồ uống, nước đóng chai để tự sản xuất, đồng thời làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để ký hợp đồng cung cấp hàng cho Trung tâm Thương mại Hòa Bình.

Cách làm của ông Đường chắc chắn sẽ khiến các nhà bán lẻ khác nổi giận, bởi miếng bánh ngọt từ bán lẻ sẽ bị đe dọa. “Tôi không ‘tuyên chiến’ với Lotte, Parson, Metro… và cũng không sợ bất cứ nhà bán lẻ nào gây sức ép. Tôi chỉ muốn giúp hàng sản xuất tại Việt Nam bán được, bán chạy hàng và người tiêu dùng Việt Nam được mua hàng chất lượng cao, giá rẻ mà thôi. Tôi tin các nhà sản xuất hàng hóa ở Việt Nam sẽ ủng hộ tôi”, ông Đường tâm sự và cho biết, nếu các địa phương có doanh nghiệp nào thực hiện theo mô hình này, ông sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ.

Tấm lòng với hàng Việt

Ít ai biết rằng, việc ông mang khối đế dự án này kinh doanh kiểu “phi lợi nhuận” là hiện thực hóa điều mà ông đã đề xuất với Bộ Chính trị cách đây hơn 5 năm, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Số là, là người khá “nhạy” và hiểu rất rõ các thế mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Đường rất ưu tư khi thấy họ ngày càng “đuối” trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thời mở cửa. Vì vậy, tháng 4/2008, ông đã gửi tâm thư cho Bộ Chính trị đề xuất phát huy tinh thần dân tộc: “Người Việt dùng hàng Việt”.

Trong bức thư, ông Đường tha thiết: “Đề nghị các đồng chí chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông báo rộng rãi cho toàn dân biết tình hình đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Tuy rằng, chất lượng sản phẩm trong nước chưa cao, giá thành chưa có thể rẻ bằng các sản phẩm cùng loại nhập ngoại do các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn về vốn, việc đầu tư thiết bị sản xuất với công nghệ còn chưa hiện đại nên chưa thể giảm giá thành sản phẩm ngay được, nhưng bằng việc động viên, tuyên truyền, phát huy tinh thần ‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chúng ta sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển, có như vậy mới làm cho “dân giàu, nước mạnh”.

Không biết có phải vì bức thư này không, nhưng một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo 264-TB/TW ngày 31/7/2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo ông Đường, hàng hóa của Việt Nam đang thua trên sân nhà, với sự chèn ép không thở nổi của hàng ngoại về chất lượng và giá. Trong khi đó, hàng Việt Nam như giày da, may mặc, thủy sản, nông sản, dù được cả thế giới nhập khẩu, đánh giá cao, nhưng tại thị trường trong nước, giá vẫn còn cao, nên khó cạnh tranh với hàng ngoại.

Có 2 yếu tố khiến giá hàng hóa Việt Nam đội giá lên cao là chi phí cho khâu phân phối trung gian và chi phí mặt bằng bán lẻ. Riêng chi phí thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại đã làm hàng hóa đội giá tới 20-30% và nếu bán ở một số địa điểm “đất vàng”, thì giá còn cao hơn rất nhiều.

Đã rất nhiều lần, chủ các doanh nghiệp cũng là đối tác, bạn bè thân thiết với ông Đường than vãn: “Hàng hóa sản xuất ra không bán nổi, hàng bán ra 5 đồng, thì đến tay người mua là 10 đồng, trong đó 5 đồng dành cho hệ thống phân phối trung gian, vận chuyển và thuê mặt bằng. Cứ thế này thì phá sản mất”.

Ý tưởng xây dựng một trung tâm thương mại dành cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở Việt Nam bán tại đây được hình thành từ đó. “Ngày xưa tôi đã nói về việc cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt để họ cạnh tranh sòng phẳng với hàng nước ngoài, nhưng chưa có điều kiện để làm. Bây giờ có mặt bằng, tôi sẽ thực hiện đề xuất này”, ông Đường khẳng định.

Giữa năm 2013, nếu đến Trung tâm Thương mại Hòa Bình, khách hàng sẽ thấy tấm pano cao 3,6 m, dài 10 m có hình ảnh đầy ý nghĩa và dòng chữ: “Nếu là người Việt Nam không ủng hộ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đất nước không phát triển, con cháu mãi mãi sống trong nghèo nàn và lạc hậu”.

Việc ông Đường làm khiến nhiều người liên tưởng tới câu chuyện 100 năm trước, khi nhà tư sản yêu nước Bạch Thái Bưởi đã lập đội tàu đầu tiên của người Việt cạnh tranh với đội tàu nước ngoài và trên các bến sông, trên tàu đều có khẩu hiệu “Người ta thì đi tàu ta”.

Chưa một lần thất tín

Với tính cách “nói là làm” và chưa bao giờ thất hứa với ai của ông Đường, tôi tin ông sẽ làm được hành động “bắt dao rơi” này. Còn nhớ, trong lần gặp gỡ cách đây 3 năm, tôi được ông kể về cuộc đời mình và luôn bị ám ảnh về sự chĩnh chiện của chữ “tín” trong ông. Giờ đây, một lần nữa, tôi lại được chứng kiến lời hứa bằng vàng của ông Đường khi mở bán Hòa Bình Green City.

3 năm trước, khi xây Hòa Bình Green City, giá bán chưa có, nhưng ông đảm bảo với khách hàng rằng, công trình chống động đất cấp 8, tường bằng bê tông, kính 3 lớp chịu nhiệt, 4 cầu thang thoát hiểm…, kỳ vọng sẽ bán được với giá 1.600 - 1.800 USD/m2. Đúng lúc Dự án lên bệ phóng để bán hàng, thì bất động sản lao dốc, nếu bán với giá thấp hơn thì không có lãi. Nhưng công trình Hòa Bình Green City vẫn đạt các tiêu chuẩn về chất lượng căn hộ mà ông hứa 3 năm trước, mà giá bán chỉ từ 23-29 triệu đồng/m2.

Để giữ chữ “tín”của mình, ông trực tiếp quản từng bao xi măng, tấm kính, viên gạch và giám sát chặt chẽ. Phần chi phí 20-30% tiết kiệm được bù vào việc giảm giá căn hộ.

Ít ai biết rằng, ông chủ Hòa Bình Group nổi danh trong lĩnh vực bất động sản hôm nay đã từng sống trong một căn hộ chỉ 18 m2, từng thồ từng bao tải sắn đổi bia, từng trải qua nhiều đắng cay, bão tố, thất bại. Nhưng với tấm lòng nhân hậu, từ trong sâu thẳm, ông luôn mong muốn những người sống quanh mình, dù quen hay lạ, đều sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mong ước đó được ông gửi gắm cho nhân viên của mình bằng 9 chữ: “Hãy làm điều mình ước muốn cho người khác”. Với tính cách của ông, tôi tin, một ngày không xa, ước muốn của ông Đường sẽ thành hiện thực…