Hồi tố giá FiT, rủi ro pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và lựa chọn của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển, trong đó có cơ chế “Feed-in Tariff” hay “giá điện hỗ trợ” (FiT).
Hồi tố giá FiT, rủi ro pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và lựa chọn của Việt Nam

Theo cơ chế FiT, nhằm bù đắp cho việc bỏ ra một lượng vốn lớn ban đầu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nhà đầu tư sẽ được Công ty Mua bán điện (EPTC) mua toàn bộ lượng điện phát ra theo một mức giá cố định trong một thời gian dài (20 năm).

Tính ổn định và dự đoán trước của FiT là một động lực rất lớn để thúc đẩy sự bùng nổ trong việc đầu tư vào các loại hình năng lượng tái tạo ở Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về công suất lắp đặt đối với các loại hình năng lượng tái tạo (theo báo cáo của Global Energy Monitor năm 2024).

Tuy nhiên, chính sự bùng nổ này cũng tạo ra sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng lưới điện chưa được phát triển một cách đồng bộ của Việt Nam và gia tăng chi phí mua điện cho người dùng cuối. Do đó, có nhiều quan điểm ở Việt Nam đang yêu cầu xem xét lại việc áp dụng giá FiT và thậm chí thu hồi một cách hồi tố đối với phần giá FiT mà phần lớn các dự án điện năng lượng tái tạo đã được hưởng trên cơ sở pháp lý là có rất nhiều dự án chưa hoàn thành công tác nghiệm thu xây dựng tại thời điểm được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FiT.

Quan điểm này, nếu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận và áp dụng, sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý xấu do đi ngược lại nguyên tắc bất hồi tố, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, gia tăng chi phí huy động vốn do gia tăng rủi ro về chính sách. Các tác động này, cùng với nhau, sẽ làm ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong việc tăng trưởng GDP, chuyển đổi xanh, phát thải ròng bằng Zero và phát triển bền vững.

Cơ sở pháp lý của yêu cầu xem xét lại giá FiT

Một trong các lập luận về pháp lý quan trọng của các quan điểm trong việc xem xét lại lại giá FiT bắt nguồn từ Kết luận số 1027/KT-TTCP (Kết luận 1027) ngày 28/04/2023 của Thanh tra Chính phủ ban hành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Theo Kết luận1027, cơ quan quản lý có thẩm quyền cần xem xét lại việc áp dụng giá FiT ưu đãi trong thời hạn 20 năm đối với các dự án chưa hoàn thành công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng mà cụ thể là các quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Thông tư 39/2015/TT-BCT.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 172 dự án/phần dự án thuộc diện đã được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FiT trước thời điểm hoàn thành công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng với tổng mức đầu tư của toàn bộ các dự án lên tới khoảng 13 tỷ USD.

Các quy định về chính sách giá FiT không quy định hoàn thành công tác nghiệm thu là một điều kiện để hưởng giá FiT.

1. Hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với toàn bộ hoặc một phần công trình theo quy định;

2. Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện;

3. Bên bán điện và Bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán.

Trong số các điều kiện nói trên, không có quy định nào thể hiện rằng việc hoàn thành công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng là một điều kiện để dự án được hưởng giá FiT. Quyết định 39/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió của Việt Nam cũng có quy định tương tự đối với điều kiện hưởng giá FiT cho các dự án điện gió. Do đó, không có cơ sở để cho rằng, các dự án năng lượng tái tạo chưa hoàn thành công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng không đủ điều kiện để hưởng giá FiT.

Việc giải thích pháp luật theo hướng xem các điều kiện về việc hoàn thành công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng là một điều kiện để hưởng giá FiT và sau đó sử dụng diễn giải này để thu hồi giá FiT đối với các dự án có thể được xem là việc bổ sung quy phạm có tính hồi tố và bất lợi đối với các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Việc bổ sung quy phạm này là trái với nguyên tắc bất hồi tố theo hướng bất lợi đã được quy định tại Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015. Thay vào đó, việc không hoàn thành công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng nên được xử lý một cách riêng biệt như một hành vi vi phạm về hành chính đối với pháp luật về quản lý công trình xây dựng.

Kinh nghiệm của quốc tế và lựa chọn của Việt Nam

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với sự bùng nổ của các dự án năng lượng tái tạo khi áp dụng các chính sách về giá FiT. Các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Đức đã từng đối mặt với vấn đề này trong quá khứ và đưa ra các lựa chọn khác nhau trước khi phát triển một thị trường điện lành mạnh và đạt được các mục tiêu về chuyển đổi xanh tại các quốc gia này.

Tây Ban Nha, áp dụng hồi tố và những hệ luỵ

Việc diễn giải và áp dụng pháp luật theo hướng bổ sung thêm điều kiện (hoàn thành công tác nghiệm thu xây dựng) so với quy định gốc tại Quyết định 13 và áp dụng ngược trở lại để từ chối thanh toán hoặc truy thu tiền điện theo giá FiT đối với các dự án đã được công nhận ngày vận hành thương mại và phát điện trước đó là một hành vi áp dụng pháp luật có tính hồi tố theo hướng bất lợi đối với các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư vào các dự án điện mặt trời nối lưới.

Các chính sách có tính hồi tố của Chính phủ Tây Ban Nha đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Tây Ban Nha là một bên ký kết và làm dấy lên một làn sóng khởi kiện đối với quốc gia này bởi các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức trọng tài quốc tế.

Một trong số các nguyên tắc bị vi phạm đó chính là nguyên tắc “fair and equitable treament” mà theo nguyên tắc này thì các nhà đầu tư sẽ được bảo hộ những “kỳ vọng hợp pháp” (legitimate expectation) dựa trên khung pháp lý tại thời điểm mà họ đưa ra quyết định đầu tư. Do đó, việc áp dụng hồi tối các quy định của pháp luật đã phá vỡ các “kỳ vọng hợp pháp” và do đó vi phạm nguyên tắc “đối xử công bằng và bình đẳng” (fair and equitable treament) trong các hiệp định bảo hộ đầu tư.

Không có gì ngạc nhiên khi các hội đồng trọng tài đã tuyên rất nhiều kết quả có lợi cho các nhà đầu tư và số tiền mà Tây Ban Nha có trách nhiệm bồi thường đã lên tới hàng tỷ USD. Cho tới ngày nay, sau hơn 10 năm kể từ ngày ban hành các chính sách nói trên, Tây Ban Nha vẫn phải đối đầu với các vụ kiện quốc tế và môi trường đầu tư bị làm xấu đi do rủi ro về chính sách là hiện hữu.

Công ty đánh giá tín dụng Fitch sau đó đã có phân tích thể hiện các chính sách hồi tố của Tây Ban Nha có 4 ảnh hưởng tiêu cực đối với quốc gia này, cụ thể: (i) làm gia tăng sự thiếu chắc chắn đối với các dự án năng lượng tái tạo hiện hữu, (ii) làm tăng khả năng của các tranh chấp pháp lý trong tương lai đối với các biện pháp của chính phủ, (iii) làm suy yếu môi trường đầu tư tổng thể, và (iv) làm gia tăng rủi ro về chính sách và môi trường pháp lý. Nhìn tổng thể, các tác động này khiến cho việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được quản lý chặt chẽ và thâm dụng vốn (điện, nước, khí...) sẽ trở nên khó khăn hơn.

Các rủi ro về chính sách này còn làm gia tăng một chi phí khác ít được nói tới. Đó là chi phí gia tăng trong việc đầu tư phát triển các dự án do chi phí vốn cho cả phần “vốn chủ” và phần “nợ” đều gia tăng khi được phát triển tại một quốc gia được đánh giá là có rủi ro gia tăng về chính sách. Phần chi phí này sẽ làm cho việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn nhất là ở các quốc gia đang có nhu cầu lớn về vốn quốc tế để xây dựng cơ sở hạ tầng. Phần chi phí này cuối cùng sẽ được phản ánh trong giá thành mà người dùng cuối thụ hưởng.

Đức, tôn trọng cam kết và khuyến khích tự do lựa chọn

Khác với trường hợp của Tây Ban Nha, khi gặp vấn đề tương tự, Đức đã ban hành một khung chính sách mới chủ yếu theo EEG 2012 và EEG 2014. Theo đó, Đức vẫn (i) tiếp tục tôn trọng các hợp đồng mua bán điện đã ký kết với giá FiT, và (ii) mở ra lựa chọn để các chủ đầu tư của các các dự án điện năng lượng tái tạo tự tham gia thị trường điện bán buôn cạnh tranh mà ở đó các chủ đầu tư sẽ được trả một khoản “premium” giữa “giá tham chiếu” với giá điện trên thị trường bán buôn điện giao ngay.

Cơ chế chính mà Đức dùng để khuyến khích (nhưng không bắt buộc) đối với các chủ đầu tư có các dự án FiT để chuyển đổi sang cơ chế “Feed-in Premiums” hay “cơ chế giá thưởng” (“FiP”) là cơ hội để có thể nhận được doanh thu cao hơn nếu thị trường điện cạnh tranh có sự thay đổi về giá theo hướng có lợi cho nhà sản xuất điện.

Bằng cách gắn kết các chủ đầu tư các dự án đang hưởng giá FiT vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh thông qua cơ chế FiP, Đức cũng giải quyết bài toán về quản lý lưới điện vì các chủ đầu tư tham gia cơ chế FiP không chỉ thụ động sản xuất toàn bộ sản lượng và bán lên lưới mà không quan tâm tới các tín hiệu về giá trên thị trường như trong cơ chế giá FiT. Thay vào đó, các chủ đầu tư chủ động theo dõi thị trường với các tín hiệu về giá để có thể sản xuất và giao điện khi giá tăng cao và chủ động cắt giảm việc giao điện khi giá xuống thấp. Với động lực đúng đắn gắn liền với thị trường, các nhà đầu tư được khuyến khích một cách mạnh mẽ để kiểm soát việc bán điện lên lưới lúc nhu cầu cao và giảm phát điện lúc nhu cầu thấp cho mục đích đạt được doanh thu cao hơn.

Các chủ đầu tư của các dự án điện tái tạo quy mô lớn ở Đức cũng nhìn nhận việc tham gia vào thị trường bán buôn là xu thế và do đó họ mong muốn nhập cuộc sớm để dẫn dắt và có thêm kinh nghiệm liên quan tới việc mua bán điện ở thị trường bán buôn. Việc tiếp tục tôn trọng và duy trì các cam kết liên quan đến giá FiT còn khiến Đức có thể nhanh chóng huy động nguồn vốn cần thiết sau đó để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến việc chuyển đổi xanh.

Lựa chọn của Việt Nam

Đi theo con đường của Tây Ban Nha, con đường của Đức hay một con đường khác của riêng mình, Việt Nam đang đứng ở một ngả rẽ quan trọng và việc đưa ra lựa chọn đúng đắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của Việt Nam, không chỉ của riêng việc phát triển ngành điện mà là tổng thể chung của việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Với các tham vọng lớn về việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số thông qua xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, cũng như đạt được các mục tiêu về phát thải ròng đã cam kết tại COP 26, Việt Nam chắc chắn không nên lựa chọn con đường hồi tố của Tây Ban Nha khi mà những cái “được” trong ngắn hạn là quá nhỏ bé so với những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường đầu tư, sự mất mát niềm tin và gia tăng chi phí huy động vốn cho đầu tư phát triển trong dài hạn.

Lựa chọn tôn trọng các cam kết đã được đưa ra và không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, điều này không chỉ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, mà còn phù hợp với các chủ trương tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Một môi trường pháp lý minh bạch, luật chơi rõ ràng và được thượng tôn, các cam kết được duy trì và tôn trọng một cách đầy chắc chắn trong một môi trường địa chính trị mới đầy bất ổn là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng bước lên một bậc cao mới trong “kỷ nguyên vươn mình” và là một chỉ báo cho các dòng vốn nước ngoài tìm kiếm sự ổn định và phát triển.

Tin bài liên quan