Lâm Đồng: Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực cấp nước

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên nguồn vốn đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước còn khó khăn, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước chủ yếu kêu gọi xã hội hóa nhưng còn chậm

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý phát triển cấp nước. Theo đó, Sở Xây dựng cho biết, về quy hoạch, hiện nay địa phương này đang thiếu quy hoạch cấp nước. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chuyên ngành lại không được phép mà phải lồng ghép trong quy hoạch tỉnh; trong khi đó quy hoạch tỉnh vẫn chưa được phê duyệt nên thiếu cơ sở trong công tác quản lý.

Nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên nguồn vốn đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước còn khó khăn, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước chủ yếu kêu gọi xã hội hóa nhưng còn chậm (nguyên nhân do suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, cơ chế ưu đãi chưa đủ mạnh nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư đối với lĩnh vực cấp nước).

Do tỉnh thuộc khu vực cao nguyên có địa hình phức tạp, nên việc liên kết giữa các nhà máy nước tại các đô thị với nhau để tạo thành sự liên kết vùng gặp khó khăn.

Việc hỗ trợ nguồn nước thô cũng như nguồn nước sạch khó thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là vào các mùa khô cũng như khi xảy ra sự cố về môi trường.

Hiện trạng mạng lưới đường ống được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ, chưa được thay thế đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát nước còn lớn, chiếm khoảng 20% lượng nước do các nhà máy cung cấp vào hệ thống.

Mạng lưới đường ống còn chưa “vươn tới” nhiều khu vực của các đô thị. Các nhà máy nước và mạng lưới đường ống hiện nay mới chỉ hoạt động và phục vụ mang tính cục bộ theo từng khu vực, chưa có sự liên kết mạng toàn vùng.

Sở Xây dựng cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương trong việc quản lý nguồn nước mặt, nước ngầm, quản lý chất lượng nước thải từ đô thị và khu công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra nguồn tiếp nhận, nhất là việc quản lý chất thải rắn, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của tỉnh nhất là nguồn nước mặt tại các hồ đang làm nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt đô thị như hồ Đankia - Suối Vàng.

Theo Sở Xây dựng, những chính sách, quy định, cơ chế để thu hút đầu tư của các nguồn lực xã hội nhằm phát triển dịch vụ cấp nước chưa đủ thu hút, chưa đủ mạnh. Các chính sách đòn bẩy kinh tế như thuế, tín dụng, đất đai, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa được triển khai thực hiện đồng bộ và nhất quán…

Công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước còn bất cập trong việc bàn giao, quản lý tài sản, đặc biệt là các tài sản đầu tư mới (đơn vị cấp nước không có nhu cầu mua hoặc thuê lại, trong khi nhà nước hoặc đơn vị đầu tư lại không có chức năng quản lý); do việc xã hội hóa nên chất lượng nước cấp khó được kiểm soát.

Công tác quản lý cấp nước đô thị và nông thôn do Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, trong khi nhiều hệ thống cấp nước cấp cho cả đô thị và nông thôn, phân vùng cấp nước khó thực hiện theo ranh giới đô thị, nông thôn dẫn đến nhiều bất cập, chồng chéo trong khi lĩnh vực còn thiếu về quy định và hướng dẫn của cấp trên, của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 19 công trình cấp nước tập trung tại các đô thị. Trong đó, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng quản lý 11 hệ thống; còn lại 8 công trình do các đơn vị khác quản lý và khai thác (Công ty cổ phần cấp thoát nước và xây dựng tại các địa phương và các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và quản lý).

Tổng công suất phục vụ cấp nước của các nhà máy tăng từ 120.820 m3/ngày đêm lên thành 130.570m3 /ngày đêm; trong đó tổng công suất khai thác tăng từ 88.440 m3/ngàyđêm lên thành 98.220 m3/ngày đêm (chủ yếu nhờ đưa Nhà máy nước Phát Chi 5.000m3/ngày đêm vào hoạt động, đấu nối với nhà máy nước Tuyền Lâm 4.000m3 /ngày đêm vào hệ thống cấp nước thành phố Đà Lạt và tăng công suất khai thác một số nhà máy khác).

Ngoài việc cung cấp nước cho các đô thị hệ thống cấp nước tại một số đô thị đang dẫn nguồn cung cấp cho một số khu vực dân cư nông thôn liền kề như hệ thống cấp nước Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc…

Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước dưới đất (nước ngầm); tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%.

Mạng lưới đường ống cấp nước được đầu tư mở rộng, tăng khoảng 2%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân giảm từ 23% còn 19,57% (sau khi Kế hoạch cấp nước được ban hành, các đơn vị cấp nước đã quan tâm hơn đến công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thay thế đường ống hư hỏng nên đã giảm tỷ lệ thất thoát). Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước của tỉnh tăng từ 73% lên 76%.

Tin bài liên quan