Làm gì để đối phó với khó khăn kinh tế đang bủa vây?

Làm gì để đối phó với khó khăn kinh tế đang bủa vây?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ổn định kinh tế vĩ mô, đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng cường tính minh bạch và giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính là những giải pháp được các chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy để kiềm chế lạm phát

Hồi đầu tháng này, trong cuộc họp định kỳ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các quan chức của cơ quan này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất cơ bản một cách nhanh chóng, thậm chí có thể nhanh hơn mức dự báo của thị trường để đối phó với lạm phát đang tăng lên một cách nhanh chóng tại quốc gia này.

Các quan chức Fed thậm chí còn cho rằng cơ quan này không chỉ tăng lãi suất 50 điểm ở lần nhóm họp này mà có thể còn có nhiều lần tăng lãi suất ở mức độ tương tự trong tương lai.

Do kiềm chế lạm phát được ưu tiên đặt lên hàng đầu vào lúc này nên Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ cũng đã quyết định giảm qui mô của bảng tổng kết tài sản hiện lên tới 9.000 tỷ USD của Fed, trong đó bao gồm phần lớn là trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán có tài sản đảm bảo.

Có thể nói, đây là lần tăng lãi suất cao nhất trong vòng 22 năm của Fed trong nỗ lực nhằm kiềm chế mức độ gia tăng của lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua tại Mỹ.

Trong khi thị trường cho rằng Fed sẽ điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo rằng lãi suất điều hành sẽ ở mức 2,5-2,75% vào cuối năm nay thì các thành viên của Fed cho rằng Ủy ban này sẵn sàng cho việc nâng tỷ lệ này cao hơn cao nữa nếu thấy cần thiết để đảm bảo rằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định trở lại.

Về bảng tổng kết tài sản, Fed cũng có kế hoạch giảm qui mô của bảng tổng kết tài sản hàng tháng, trong đó dự kiến tới tháng 8 con số này sẽ đứng ở mức 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 35 tỷ USD chứng khoán có tài sản đảm bảo.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, mới đây khẳng định rằng, cơ quan này sẽ chỉ xem xét việc ngừng tăng lãi suất khi và chỉ khi tỷ lệ lạm phát tại nước này được kéo xuống mức 2%.

Điều đáng nói là đã có những lo ngại rằng động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed có thể gây đình trệ kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Việc lạm phát gia tăng tại Mỹ và những bước đi quyết liệt nói trên của Fed đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới.

Chỉ tính riêng trong tháng 4, chỉ số Nasdaq của Mỹ đã giảm khoảng 13,3%, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2008 - thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Chỉ số S&P 500 mất 8,8%, hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm khi Covid mới trở thành đại dịch toàn cầu, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 4,9% cả tháng. Tính chung kể từ đầu năm 2022 cho tới cuối tháng 4, S&P 500 đã giảm 13,3%; Nasdaq giảm 21,2% và Dow Jones giảm 9,3%.

Đặc biệt, nhiều cổ phiếu công nghệ đã giảm tới 50-70% trong những tháng đầu năm nay, trong đó phải kể tới những cái tên đình đám như Grab hay Sea (chủ sở hữu của Shopee).

Việc Fed tăng lãi suất cũng là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rút tiền đầu tư ở Việt Nam chuyển ra nước ngoài, góp phần làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh trong thời gian qua.

Cú sốc xung đột Nga - Ukraina thổi bùng khủng hoảng năng lượng và lương thực

Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng trước, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.

WB cảnh báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.

Trong khi đó Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 do tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với giá lương thực, nhiên liệu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,6% trong năm 2022, giảm từ 6,1% hồi năm ngoái. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.

"Ảnh hưởng của cuộc xung đột sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn", ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế tại IMF - nhận định.

Chính sách zero Covid của Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng

Kể từ đầu tháng 3, Trung Quốc đã phong tỏa Thượng Hải - nơi có cảng biển đông đúc nhất thế giới - và nhiều thành phố khác nhằm đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Các hoạt động sản xuất và vận tải bị gián đoạn ngay cả ở những nơi không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.

Việc thi hành chính sách zero Covid một cách gắt gao của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này không những gây ra sức ép lạm phát trên phạm phi toàn cầu mà còn làm ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế của các quốc gia sau đại dịch.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng, trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng với tốc độ tương đương mức trước đại dịch, nhưng tăng trưởng sản xuất máy móc, thiết bị đi ngược với xu hướng chung và giảm tốc mạnh so với tháng 3.

WB cho rằng nguyên nhân nằm ở những gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đã dẫn đến nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này giảm mạnh trong 2 tháng qua.

Một điểm đáng chú ý khác là nhập khẩu trong tháng 4 của Việt Nam cũng tăng chậm hơn xuất khẩu. Theo WB, điều này phản ánh nhập khẩu từ Trung Quốc giảm tốc do những biện pháp chống dịch gắt gao.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD.

Báo cáo của WB ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 19,4% trong tháng 2 (so cùng kỳ năm trước), xuống còn 2,6% vào tháng 3 và 11,5% trong tháng 4.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 15,2% trong tháng 3 so cùng kỳ năm trước và 6,4% vào tháng 4. Đây là 2 tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị Trung Quốc chiếm hơn 1/5 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này và khoảng 1/2 tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam.

"Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới", WB cảnh báo.

Hành động của Việt Nam

Với độ mở cao của nền kinh tế, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.

Tại hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức sáng 25/5, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định nền kinh tế Việt Nam đã gặp khó khăn, tăng trưởng thấp trong năm 2020-2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021. Tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% của quý III/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%.

Theo báo cáo, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với virus”, nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraine và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.

Tuy nhiên, để ứng phó một cách căn cơ với những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng, vấn đề hoàn thiện thể chế, trong đó có cơ chế xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính cần được đặc biệt chú trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước giảm sâu trong thời gian gần đây do nhiều yếu tố kể cả khách quan và chủ quan, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp căn cơ hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán để kênh này đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, giảm thiểu gánh nặng cung cấp vốn mà hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang phải gánh vác.

Tin bài liên quan