Việc giảm giá đồng nội tệ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

Việc giảm giá đồng nội tệ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

Làm gì để đón sóng kinh tế thế giới phục hồi?

Để ít nhiều tìm ra thời điểm phục hồi của nền kinh tế thế giới, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu về nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu và cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới - nền kinh tế Mỹ.

Theo một nghiên cứu mới đây của CTCK Bản Việt dựa trên số liệu của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ giai đoạn 1887 - 2008, thời gian trung bình cho một đợt suy thoái là từ 14 - 17 tháng. Cuộc khủng hoảng nhà đất tại Mỹ bắt đầu từ năm 2007 và nền kinh tế nước này chính thức rơi vào suy thoái từ tháng 9/2008. Như vậy, xét theo nghiên cứu này thì nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý III/2009.

Thời điểm hiện nay, Việt Nam cần xây dựng các biện pháp, chuẩn bị những việc cần thiết để đón con sóng phục hồi của kinh tế thế giới. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách hạ lãi suất cơ bản. Kiểm soát chặt thị trường bất động sản. Có thể sẽ có một số khoản nợ xấu bất động sản mà ngân hàng phải thanh lý, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này bên cạnh việc "phá băng" thị trường bất động sản. Đảm bảo việc sử dụng gói kích cầu 1 tỷ USD minh bạch, đúng chỗ và kịp thời; loại bỏ triệt để tình trạng "xin - cho".

Theo Ngân hàng Thế giới, thâm hụt vãng lai của Việt Nam năm 2008 khoảng 13% GDP, mặc dù đây là năm kỷ lục về thu hút FDI (trên 60 tỷ USD vốn đăng ký). Trong khoảng 2 năm tới, nguồn vốn FDI cả đăng ký và giải ngân sẽ giảm, lượng kiều hối cũng giảm, xuất khẩu gặp khó khăn. Để bù đắp lượng thiếu hụt trong tài khoản vãng lai, Việt Nam nên nới lỏng biên độ tỷ giá, điều hành tỷ giá theo hướng tăng giá đồng USD so với VND. Việc giảm giá đồng nội tệ sẽ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời làm cho giá hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Có thể nâng lãi suất tái chiết khấu để thu hút vốn ngắn hạn từ bên ngoài.

Cần khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty là đầu mối nhập khẩu những hàng hóa chiến lược mua dự trữ hàng hóa khi đang có mức giá thấp thông qua các hợp đồng tương lai và quyền chọn. Mức lãi suất cho các hợp đồng này trên thị trường quốc tế hiện dao động từ 3 - 5%. Năm 2008, chúng ta chứng kiến sự biến động mạnh của các hàng hóa chiến lược như dầu, thép... Đến thời điểm hiện nay, giá các loại hàng hóa này đã giảm 50 - 70% so với đỉnh điểm trong năm 2008 và trở về với mức giá của 2 năm về trước. Việc dự trữ các hàng hóa chiến lược là biện pháp cần thiết để chúng ta đảm bảo lượng cung khi nền kinh tế phục hồi. Cầu về dầu mỏ, thép, than đá... sẽ tăng rất nhanh khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại.

Đối với thị trường Trung Quốc, cần tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ nước này. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việc sụt giảm doanh số xuất khẩu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu sẽ khiến một lượng hàng hóa lớn, giá rẻ từ nước này xuất sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam . Nếu không kiểm soát tốt, vô hình trung chúng ta kích cầu cho hàng Trung Quốc. Trung Quốc dùng gần 600 tỷ USD để kích thích nền kinh tế bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thay vì dùng tiền giải cứu các định chế tài chính như Mỹ và châu Âu áp dụng là điều rất đáng quan tâm. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để cung cấp cho Trung Quốc các hàng hóa cơ bản trong gói kích cầu này.