Làm luật cho dân, Quốc hội không “dễ tính”

0:00 / 0:00
0:00

Quốc hội hiếm khi vỗ tay sau một ý kiến nào đó về dự án luật, nhưng điều đó đã xảy ra khi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đặt lên bàn nghị sự sáng 16/11.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận.

Việc tách luật là khiên cưỡng và áp đặt

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là một trong 2 dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Dự án luật còn lại là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), được thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày.

Trình Quốc hội cả hai dự án luật từ đợt họp trực tuyến, Chính phủ nêu rõ, việc này đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.

Nhưng hồ sơ dự án luật, trong đó có báo cáo đánh giá tác động, theo nhiều đại biểu, là chưa thuyết phục. Vì thế, thay vì góp ý vào nội dung cụ thể, ngay từ phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã lên tiếng về sự chưa hợp lý khi tách một luật thành hai, nhất là việc chuyển giao cho Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tổng hợp ý kiến thảo luận tại 19 tổ về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ: nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để ban hành luật riêng, vì Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, trong đó giao thông đường bộ bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ, quy tắc giao thông đường bộ. Nếu tách ra thì sẽ không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất.

Một số vị đại biểu đề nghị làm phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để ban hành luật riêng. Có ý kiến đề nghị xem lại quy trình, thủ tục và tính pháp lý của việc xây dựng Luật này.

Ngày 16/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 mà không cần thí điểm. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu rõ, các quận và phường tại TP.HCM sẽ không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND). HĐND và UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021.

Nghị quyết cũng có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố thuộc TP.HCM. Đây là bước chuẩn bị cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM sau khi được thành lập.

Không chờ đến phiên thảo luận Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mà ngay từ khi thảo luận Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), những vấn đề nêu trên đã được nhiều đại biểu nêu lại. Bà Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan giúp Quốc hội gác cửa về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật) đề nghị để dự án luật này trình Quốc hội khóa XV, vì Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ một cách đầy đủ thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng tình với đại biểu Dung, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng luật cũng yêu cầu để 2 phương án, một là tách, hai là không tách, chuyển cho Quốc hội thảo luận.

Trước đó, khi thảo luận tổ, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng bày tỏ e ngại, việc tách luật sẽ đánh mất tính tổng thể, dẫn tới chồng chéo và tác động tới hiệu quả quản lý.

Nhấn mạnh chức năng của Quốc hội là làm luật cho dân và vì dân, luật sư - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình với nhiều đại biểu khác là không nên tách thành hai luật.

Vì để cả hai nội dung ở một bộ luật thì tiện lợi rất nhiều cho dân. Một trong những nhiệm vụ của Quốc hội là pháp điển hóa, tức là khi thấy nhiều quy định tản mát quá thì tích hợp lại thành một bộ luật. “Chúng ta không nên làm ngược lại xu hướng này”, ông Nghĩa phát biểu.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cơ sở để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ nội dung Luật Giao thông đường bộ hiện hành khiên cưỡng và áp đặt, không khách quan, khoa học, chắc chắn không thuyết phục.

Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội xem xét không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật như dự thảo và không chuyển quyền cấp giấy phép xe mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an, mà cần nghiên cứu tổng thể những vấn đề còn bất cập để tích hợp sửa đổi nội dung cho một dự án chung, thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đề cập hệ lụy từ việc tách luật, tách việc đào tạo giấy phép lái xe qua công an, nên mới “đẻ” thêm chứng chỉ hành nghề vận tải, giấy phép lái xe thì Công an cấp, còn giấy chứng chỉ hành nghề vận tải thì Bộ Giao thông - Vận tải cấp, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề: “Sao phải hành dân như vậy? Như vậy trái với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cũng cho rằng: “Chúng ta đã và đang thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý hoạt động đất nước theo hướng trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả, quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh cục bộ, tránh khép kín. Việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an là chưa thuyết phục”.

Tuy có tiếng vỗ tay, nhưng...

Phát biểu sau nhiều ý kiến đại biểu lo ngại về việc tách luật sẽ gây chồng chéo, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị xin ý kiến của đại biểu Quốc hội xem có đồng ý tách hai luật này hay không.

Nếu Quốc hội đồng ý tách thì buổi chiều mới tiếp tục thảo luận về Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn nếu Quốc hội không đồng ý tách thì chiều nay sẽ không thảo luận tiếp, hội trường rộ tiếng vỗ tay.

“Tuy có tiếng vỗ tay trong hội trường, nhưng nhiều đồng chí cũng chưa bày tỏ chính kiến”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến cá nhân và đề nghị chủ toạ kỳ họp vẫn cho thảo luận Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chiều cùng ngày như chương trình đã được quyết định.

Phó chủ tịch cũng khẳng định, việc đưa 2 luật ra thảo luận không vi phạm quy trình.

Theo dõi toàn bộ phiên thảo luận cũng cho thấy, dù không chiếm đa số, song ý kiến ủng hộ tách luật cũng rất mạnh mẽ. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nêu rõ, việc tách luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng và Thủ tướng đã đồng ý.

“Tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ, vì tôi thấy, việc này có lợi cho nhân dân và cho đất nước”, ông Sinh nói.

Cũng đồng ý tách, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, rất cần thiết phải hướng đến chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật và phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế hiện nay.

Có tách thành hai luật hay không là vấn đề rất lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu sau khi thảo luận về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận phiên thảo luận sáng 16/11.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và có tách luật hay không vẫn là vấn đề được đặc biệt quan tâm với quan điểm vẫn hết sức khác nhau.

Đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, hai luật này được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là hai bộ Công an, Giao thông - Vận tải nhất trí cao là không làm ảnh hưởng lẫn nhau và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội, là trách nhiệm của Bộ Công an.

“Nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật, thì Bộ Công an không tăng biên chế, chi phí không tăng, không tăng các thủ tục về hành chính. Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ và nhận trách nhiệm trước nhân dân về đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, Bộ trưởng phát biểu.

Về xây dựng cùng lúc hai luật, theo Bộ trưởng Tô Lâm, thực tế không phải là tách luật, mà quá trình làm luật càng ngày càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, “đây không phải là chia luật hay chia quyền”.

Luật này phổ cập toàn xã hội, từ cháu bé đến cụ già đều phải được tuyên truyền về luật này, nên soạn thảo phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn, dài thì khó học, nếu để chung với các luật khác thì quá dài, đó là thực tế phải xem xét”, Bộ trưởng nêu lý do cần xây dựng luật riêng về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phát biểu cuối phiên thảo luận rằng, Thường vụ Quốc hội khẳng định mọi việc đều làm đúng quy trình, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, sẽ xin ý kiến Quốc hội về những vấn đề lớn của cả hai dự thảo luật.

Tin bài liên quan