Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Lắm nhà, lễ ngày Tết sao cho đúng?

(ĐTCK) Năm hết, Tết đến cũng là lúc chuyện thờ cúng được nhiều người quan tâm, để ý hơn. Đặc biệt với người “một chốn, bốn nơi”, băn khoăn là không hề nhỏ.

Tết là để sum vầy

Hiện nay, nhiều người sở hữu hai nhà (hoặc nhiều hơn), một ngôi nhà ở quê, một nhà ở phố để sống, hoặc mở công ty và văn phòng riêng… Trong đó, có người sở hữu căn hộ chung cư, một phần có nhà đất riêng biệt. Những người có quê ở tỉnh, thường vẫn duy trì nếp quen là đến Tết sẽ về quê sum họp cùng bố mẹ và ông bà. Do không đón Tết và cúng giao thừa ở nhà riêng trên thành phố lớn hoặc người có nhiều nhà, nên việc thờ cúng dịp Tết, đặc biệt cúng giao thừa ra sao cũng gây ra nhiều băn khoăn.

Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, chúng ta cần hiểu rằng, ngày Tết là ngày sum vầy của cả đại gia đình. Về mặt tâm linh, chúng ta về quê ăn Tết và gia tiên cũng về sum vầy cùng con cháu. Do đó, người ta không nhất thiết phải cúng giao thừa tại nhà ở hiện tại (thành phố) hoặc văn phòng công ty.

Trước khi về nghỉ Tết, chúng ta có thể sắm đầy đủ đồ thờ Tết bày biện lên ban thờ và cúng mâm cơm canh, xôi gà, hoa quả, tiền vàng, trầu cau, chè thuốc… tạ các quan thần linh tại đất đã phù hộ, độ trì cho một năm sinh sống và làm việc trên lô đất được hanh thông. Khi báo cáo các quan thần linh, tín chủ cẩn cáo hoàn cảnh, sám hối và mời gia tiên ngự tại đất cùng về quê ăn Tết với gia đình (đối với các chủ hộ có thờ cúng gia tiên tại căn hộ hoặc nhà ở tại thành phố).

Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, ý nghĩa của việc làm này phản ánh quan điểm trần sao âm vậy, tức có lời tác bạch và tâu bày, lời nói không mất tiền mua và được lời như cởi tấm lòng. Sau đó, ra Tết khi được ngày đẹp sẽ xông nhà đầu năm hoặc khai xuân tại văn phòng cơ quan, công ty thì lại có lễ thắp hương thỉnh mời các ngài ngự và khai xuân, làm việc đầu năm.

Về mặt gia đình thì ngày Tết cũng là dịp quy tụ về sum họp nơi quê cha, đất tổ; do đó việc về quê ăn Tết cũng là hợp đạo lý, hợp với phong tục của người Việt ta. Mọi người không phải lo lắng về việc bị trách phạt khi giao thừa không thắp hương tại các căn hộ, ngôi nhà thứ 2, văn phòng công ty...

Lễ cúng ở nhà chính là quan trọng nhất

Kiến trúc sư Hoàng Trà cho rằng, về đường tâm linh, Tết nhất là dịp gia tiên cùng về sum họp và chúng ta mỗi người dâng lễ mỏng lòng thành có nén nhang tri ân và báo công tới gia tiên; mỗi người đã làm được gì trong năm qua và chưa được gì, có công gì và tội gì, sang năm mới hứa nguyện ra sao và định làm gì. Trong chúng ta, phần lớn mọi người ăn lộc từ gia tiên. Tỷ lệ người được phần lộc từ các vị thánh thần là rất ít, chỉ trừ những người có căn mệnh và hợp duyên. Do đó, nếu không về được quê cha, đất tổ ăn Tết, thắp hương cho gia tiên thì còn lỗi hơn so với việc chăm lo cho ngôi nhà thứ 2, công ty, nhà máy… mà quên mất quê cha đất tổ.

“Hãy thử lấy trường hợp, hiện nay nhiều người sở hữu đồng thời rất nhiều bất động sản, hay có dăm bảy văn phòng, cửa hàng, showroom ở các địa điểm khác nhau, thậm chí ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, họ sẽ chẳng có cách nào trong lúc giao thừa đi thắp hương cùng một lúc hết được. Do đó, quan điểm phải thắp hương giao thừa ở các nơi nói trên là bất khả thi”.

Ông Trà cho biết thêm, chúng ta cũng thấy các cơ quan nhà nước dù to, nhỏ thì ngày Tết lãnh đạo vẫn không ở lại làm việc. Các lãnh đạo cơ quan đó vẫn cứ phải về tới quê cha, đất tổ ăn Tết, thắp hương. Trần sao âm vậy, về đường tâm linh, các quan đường âm cai quản ở các cơ quan công sở cũng đón Tết theo đúng luật âm mà thôi.

Còn tại gia, giao thừa chúng ta có làm lễ để tiễn ngài Cựu niên và đón ngài Tân niên cũng chỉ là thờ vọng các ngài. Ngài Tân niên là ngài Kim niên Đương cai Tái thế Trí đức Tôn thần, người nắm toàn quyền cả một năm mới chỉ có một, do đó, việc từng gia đình, từng hộ đón được ngài ngự giá tại gia là không thể.

Tại gia, chúng ta có lễ để dâng các quan thần linh bản thổ đón Tết, xin phép cho gia tiên được về ăn Tết. Chính vì lẽ đó, nên mâm cỗ cuối năm, thường sẽ có thêm mâm cơm canh cúng giao thừa và trên ban thờ vẫn là đồ lễ riêng của các quan thần linh bản thổ, để thỉnh mời các quan thần linh và gia tiên ăn Tết.

Nhiều nơi hay cúng giao thừa ngoài sân, ý để mời cả các quan hành khiển. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp nói trên, không phải nhà nào các quan cũng có thể ghé, nhưng việc chuẩn bị là tùy tâm theo phong tục và phần nhiều là để an tâm, cho thấy sự chu toàn và lòng thành gia chủ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan