Lạm phát "luôn là một rủi ro" đối với kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát "luôn là một rủi ro" đối với kinh tế Mỹ do những thay đổi về cơ cấu trên thị trường lao động, theo bà Nela Richardson, nhà phân tích từ công ty dữ liệu bảng lương ADP.
Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023. Ảnh: AFP

Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023. Ảnh: AFP

Năm ngoái, khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát ở các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành một loạt đợt tăng lãi suất, khiến lãi suất liên bang nhảy vọt từ ngưỡng 0,25 - 0,5% vào tháng 3/2022 lên mức cao nhất trong 22 năm là 5,25 - 5,5% vào tháng 7/2023.

Trước đó, lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn ở mức thấp trong một thập kỷ khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tìm cách kích thích nền kinh tế của họ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Phát biểu trên đài CNBC, bà Richardson cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong 10 năm qua được thúc đẩy bởi lãi suất thấp khi các nhà hoạch định chính sách tập trung ngăn chặn suy thoái kinh tế mà không có áp lực lạm phát. "Đó là một nền kinh tế được xây dựng dựa trên lãi suất rất gần bằng 0 trong 10 năm tăng trưởng kinh tế và điều đó không sao cả vì lạm phát ở mức siêu thấp", bà Richardson nói thêm.

"Nhưng bây giờ lạm phát đã trỗi dậy và nếu bạn nhìn vào xu hướng nhân khẩu học, tình trạng thiếu lao động sẽ không biến mất. Tình hình đang trở nên tốt hơn nhưng đó là sự thay đổi về cấu trúc trong thị trường lao động do dân số Mỹ đang già đi; điều đó có nghĩa là lạm phát luôn là một rủi ro, nó sẽ tăng lên, nên việc đưa lãi suất quay trở lại mức 0 hoặc gần như chạm đáy sẽ khó hỗ trợ nền kinh tế", nhà phân tích của ADP cho biết.

Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế do chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ bất thường của Fed, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed - đã tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 9 và nâng các dự báo tăng trưởng kinh tế. Hiện Fed dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ sẽ đạt 2,1%.

Trong khi đó, lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% mà Fed đề ra và sự thắt chặt của thị trường lao động mà một số nhà kinh tế lo ngại đang làm tăng thêm áp lực lạm phát đã có dấu hiệu giảm bớt, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối thấp so với lịch sử.

Báo cáo hàng tháng được ADP công bố tuần này cho thấy, bảng lương khu vực tư nhân của Mỹ chỉ tăng 89.000 trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với ước tính đồng thuận của Dow Jones là 160.000 và giảm so với mức điều chỉnh tăng 180.000 trong tháng 8.

Các số liệu trên cho thấy điều trái ngược với báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hồi đầu tuần, mà trong đó số việc làm có mức tăng đáng ngạc nhiên trong tháng 8, lên mức cao nhất kể từ mùa Xuân và ngược chiều với xu hướng giảm gần đây.

Giới giao dịch và các nhà hoạch định chính sách của Fed sau đó đã chuyển sự chú ý sang báo cáo bảng lương phi nông nghiệp công bố ngày 6/10 để tìm kiếm thêm dấu hiệu về "sức khỏe" của thị trường lao động Mỹ.

Cụ thể, bảng lương phi nông nghiệp - bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động Mỹ - đã tăng 336.000 việc làm trong tháng 9, vượt xa ước tính đồng thuận của Dow Jones là tăng 170.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ là 3,8%, cao hơn một chút so với ước tính đồng thuận là 3,7%.

Theo ông Richard Flynn, giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính Charles Schwab (Vương quốc Anh), các nhà đầu tư nhận thấy báo cáo việc làm vừa công bố là một dấu hiệu cho thấy "mức cầu lành mạnh" trên thị trường lao động Mỹ.

"Tăng trưởng việc làm là động lực chính cho khả năng phục hồi kinh tế gần đây, cân bằng những điểm yếu trong các lĩnh vực như nhà ở và hàng tiêu dùng", ông Flynn nhận xét.

Cũng theo giám đốc điều hành công ty Charles Schwab, những số liệu mạnh mẽ được công bố ngày 6/10 "sẽ giúp xua tan lo ngại về suy thoái kinh tế và mang lại sự lạc quan cho các lĩnh vực kinh tế có khả năng đang trên đường ổn định".

Mặc dù các báo cáo việc làm theo truyền thống được coi là một chỉ báo có độ trễ, nhưng bà Richardson của ADP lưu ý rằng mối quan hệ giữa thị trường lao động và chính sách tiền tệ đã được xem xét lại trong chu kỳ hiện tại.

"Tôi nghĩ có vòng phản hồi chính sách đang bị đánh giá thấp. Nhiều người cho rằng thị trường lao động hoặc bức tranh việc làm tốt đang bị tụt lại, nhưng bức tranh việc làm thực sự đang bổ trợ cho chính sách hiện tại của Fed, vì vậy nó không chỉ đi theo một hướng, mà còn có một vòng phản hồi ở giữa và những hiệu ứng này có thể khuếch đại", bà Richardson phân tích.

Nữ chuyên gia của ADP đánh giá: "Mối quan hệ đơn giản không còn tồn tại nữa. Chúng ta đang trong thời kỳ phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng Mỹ, và các hành động của Fed sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và ngược lại. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ nói 'ồ điều này đang chững lại, chính sách từ 6 đến 9 tháng của Fed sẽ tác động đến thị trường lao động', mà thị trường lao động hiện đang thúc đẩy chính sách của Fed".

Tin bài liên quan