Lạm phát sẽ dưới ngưỡng Quốc hội cho phép

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 gần như dừng lại, khi chỉ tăng 0,08% so với tháng 9/2023.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê)

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê)

“Đến bây giờ, có thể chắc chắn rằng, lạm phát năm nay sẽ dưới ngưỡng Quốc hội cho phép”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) tin tưởng.

Cơ sở nào khiến bà tin lạm phát năm nay sẽ thấp dưới ngưỡng Quốc hội cho phép?

CPI tháng 10/2023 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước đó, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước là nhân tố quan trọng khiến CPI bình quân 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,2%. Đây là cơ sở để tin rằng, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép là 4,5%.

Điều đáng nói, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia, đặc biệt là các trung tâm kinh tế thế giới như Mỹ, EU mặc dù đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt với mức lãi suất cao nhất trong nhiều năm qua để đối phó với lạm phát.

Bà có thể phân tích kỹ hơn?

So với tháng trước, trong tháng 10 vừa qua vẫn có 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, chỉ có 2 nhóm giảm giá, trong đó nhóm giao thông giảm 1,51%, làm CPI giảm 0,15%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng giảm 4,59%, giá dầu diezel giảm 0,73%.

Ngoài ra, giá thịt lợn (chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu hàng ngày của người dân) giảm 1,41%, làm CPI giảm 0,05%.

Như vậy, xăng dầu tác động rất lớn tới sự biến động của CPI, thưa bà?

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, nên khi kinh tế thế giới bị “rung lắc”, nhất là sự biến động của giá xăng dầu, ngay lập tức tác động rất nhanh và mạnh tới Việt Nam.

Mặc dù trong chi tiêu, mặt hàng xăng dầu chỉ chiếm 1,5% tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, cá nhân, nhưng đây lại là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, vì vậy chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ hàng hóa tính CPI. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng/giảm 10%, sẽ tác động làm CPI tăng/giảm 0,36%.

Nhiều chuyên gia kinh tế và định chế tài chính trên thế giới dự báo, cuộc chiến ở Trung Đông sẽ đẩy giá xăng dầu lên 140-150 USD/thùng. Thưa bà, nếu mức giá này được thiết lập sẽ gây ra thảm họa đối với kinh tế thế giới cũng như Việt Nam?

Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng xăng khá lớn phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước (10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã bỏ ra 7,473 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu và 1,314 tỷ USD nhập khẩu khí hóa lỏng). Là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc rất lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Về lâu dài sẽ khiến thị trường trong nước và quốc tế có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Khi cuộc chiến ở Trung Đông giữa Hamas - Israel nổ ra, cộng với việc Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, tiếp tục duy trì giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày và nền kinh tế Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ xăng dầu hàng đầu thế giới) phục hồi, là cơ sở để các chuyên gia và định chế tài chính thế giới dự báo giá xăng dầu có thể lên 140-150 USD/thùng. Về lý thuyết thì như vậy, còn trên thực tế, sau thời gian tăng giá, vài tuần gần đây, giá xăng dầu trên thế giới lại có xu hướng hạ nhiệt.

Trong bối cảnh này, về dài hạn, xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng, nhưng đây là mặt hàng yết hầu của bất cứ nền kinh tế nào, nên không một quốc gia nào, kể cả các quốc gia trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) muốn giá xăng dầu cứ tăng mãi, mà chỉ tăng đến điểm hợp lý rồi dừng lại. Bởi nếu không, kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, khi đó, tất cả các quốc gia đều bị thiệt hại, kể cả các nước OPEC. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, giá dầu thô sẽ vào khoảng trên dưới 100 USD/thùng.

Như bà nhận định, năm nay CPI chắc chắn dưới 4,5%, nhưng về lâu dài, để kiểm soát vững chắc lạm phát thì cần phải làm gì?

Tổng cục Thống kê đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Là nền kinh tế phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, vì vậy, Việt Nam cần phải kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu để giảm các cú sốc mỗi khi thị trường thế giới “rung lắc”.

Hiện còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm, nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đi lại của xã hội tăng mạnh, vì thế, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Cuối cùng, giải pháp cũng quan trọng không kém trong việc điều hành giá, đó là phải tăng cường công tác truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng...

Tin bài liên quan