Lạm phát tháng 9 của Mỹ cản bước giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (12/10), khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI ) tháng 9 được công bố cao hơn dự kiến.
Lạm phát tháng 9 của Mỹ cản bước giới đầu tư

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Hai con số này đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, lần lượt ở mức 0,3% và 3,6%.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tháng 9 tăng 0,3%, bằng với mức tăng của tháng 8.

Chi phí nhà ở tiếp tục “thủ phạm” khiến CPI Mỹ tăng mạnh hơn dự báo. Chi phí nhà ở, vốn chiếm 1/3 tỷ trọng trong rổ CPI đã tăng 0,6% so với tháng trước và 7,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, với thị trường lao động vẫn thắt chặt, việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed có thể là một nhiệm vụ dài, Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Trong một báo cáo riêng, Bộ Lao động cho biết các đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của tiểu bang không thay đổi ở mức 209.000 được điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 7/10.

Thêm vào áp lực với thị trường là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng trở lại sau báo cáo lạm phát mới nhất. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng gần 0,11% lên mức 4,7%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm cũng tăng nhẹ lên 5,06%.

Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số Dow Jones giảm 173,73 điểm (-0,51%), xuống 33.631,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,34 điểm (-0,62%), xuống 4.349,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,46 điểm (-0,63%), xuống 13.574,22 điểm.

Chứng khoán châu Âu thu hẹp đà tăng, sau khi lạm phát tháng 9 của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, trong khi thành công thử nghiệm thuốc điều trị thận ở bệnh nhân tiểu đường của Novo Nordisk đã nâng chỉ số chứng khoán của Đan Mạch lên mức cao kỷ lục.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,1% lên 453,63 điểm.

Cổ phiếu nhóm năng lượng tăng 1,3%, để dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số chính, sau khi giá dầu tăng do kỳ vọng lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh.

Trong khi đó, cổ phiếu Novo Nordisk tăng 4,2% và chạm mức cao kỷ lục mới sau khi nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch báo cáo những dấu hiệu thành công ban đầu trong việc trì hoãn sự tiến triển của bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường.

Chỉ số OMX Copenhagen 20 đạt mức cao kỷ lục và đóng cửa cao hơn 2,3%.

Nhưng lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro kỳ hạn dài hơn và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn sau dữ liệu CPI của Mỹ đã cản bước thị trường chung, với cổ phiếu tiện ích và cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi suất giảm lần lượt 0,7% và 1%.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Ngân hàng Trung ương châu Âu, được công bố hôm thứ Năm, cho thấy sự chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách khi họ chọn tăng lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%, nhưng báo hiệu kết thúc chu kỳ thắt chặt.

Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 24,74 điểm (+0,32%), lên 7.644,78 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 34,98 điểm (-0,23%), xuống 15.425,03 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 26,68 điểm (-0,37%), xuống 7.104,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu giảm sâu sau đợt bán tháo trước đó với tâm điểm là nhóm cổ phiếu liên quan đến chip.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,75% lên 32.494,66 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,5% lên 2.342,49 điểm.

"Nhìn chung thị trường đang rất vững chắc. Các nhà đầu tư đã mua lại các cổ phiếu đã giảm trong đợt bán tháo gần đây. Họ nhận ra rằng nền tảng cho nền kinh tế Nhật Bản không thay đổi", Ikuo Mitsui, nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities, cho biết.

"Các nhà đầu tư cũng mua cổ phiếu tăng trưởng, chủ yếu là cổ phiếu liên quan đến chip, sau khi Samsung (Electronics) công bố lợi nhuận cho thấy hiệu suất của ngành chip đã chạm đáy", Mitsui nói.

Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron của Nhật Bản tăng 2,94% và đóng góp lớn nhất cho Nikkei 225, tiếp theo là Advantest, tăng 4,03%.

Cổ phiếu nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến chip Lasertec tăng 6,34% và nhà sản xuất chip Renesas Electronics tăng 5,19%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ hiệu ứng từ việc một quỹ nhà nước tăng cổ phần tại các ngân hàng lớn nhất nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,94% lên 3.107,90 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,95% lên 3.702,38 điểm.

Các ngân hàng nhà nước "Big Four" của Trung Quốc cho biết vào cuối ngày thứ Tư rằng cổ đông kiểm soát Central Huijin Investment đã mua vào cổ phiếu và có kế hoạch tăng thêm cổ phần trong sáu tháng tới.

"'Tiền thật của Central Huijin có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường chứng khoán. Phát đi tín hiệu mạnh mẽ về 'đầu tư liên tục' trên thị trường. Điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong việc thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư", Yang Delong, nhà kinh tế trưởng tại First Seafront Fund Management cho biết.

Cổ phiếu của các ngân hàng tăng 1,8%, trong khi các công ty bảo hiểm tăng 2,9%. Các công ty năng lượng mới và các công ty ô tô lần lượt tăng 2,6% và 3,4%.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thêm các chỉ số kinh tế sẽ được công bố vào cuối tuần, bao gồm giá trị cho vay mới bằng đồng nhân dân tệ và dữ liệu thương mại cho tháng 9, để đánh giá đà phục hồi ở Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong năm tuần khi quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc tăng cổ phần trong bốn ngân hàng lớn nhất lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,93% lên 18.238,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,19% lên 6.267,34 điểm.

Ngân hàng cho vay lớn nhất Trung Quốc ICBC tăng 4,8%, Ngân hàng Xây dựng tăng 5,6% và Ngân hàng Trung Quốc tăng 4%, trong khi Ngân hàng Nông nghiệp tăng 4,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng tích cực, khi cổ phiếu chất bán dẫn và pin sạc mở rộng đà tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 29,74 điểm, tương đương 1,21%, lên 2.479,82 điểm.

Các nhà sản xuất chip và sản xuất pin dẫn đầu mức tăng trên chỉ số chuẩn, sau khi các cổ phiếu Samsung Electronics và LG Energy Solution báo cáo kết quả quý III tốt hơn dự kiến vào đầu tuần.

Samsung Electronics tăng 1,03%, trong khi công ty cùng ngành SK Hynix tăng 4,19%.

Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 558,15 điểm (+1,75%), lên 32.494,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,95 điểm (+0,94%), lên 3.107,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 345,11 điểm (+1,93%), lên 18.238,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 29,74 điểm (+1,21%), lên 2.479,82 điểm.

Giá đã WTI giảm, sau khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 10,2 triệu thùng lên 424,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 500.000 thùng.

Kết thúc phiên 12/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,58 USD/thùng (-0,62%), xuống 82,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD/thùng (+0,21%), lên 86,00 USD/thùng.

Tin bài liên quan