Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Ða. Ảnh Internet

Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Ða. Ảnh Internet

Làm sáng những “điểm đen” trong sử dụng đất đô thị

(ĐTCK) Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Ða (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã quy hoạch được 27 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện; sai phạm nghiêm trọng về xây dựng ở dự án 8B Lê Trực (Hà Nội) chậm được xử lý dứt điểm; tình trạng điều chỉnh quy hoạch dự án nhiều lần với những nghi vấn về lợi ích nhóm chi phối…

Ðây là những “điểm đen” trong công tác lập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu ra khi thảo luận Báo cáo của Ðoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Ðất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Sở dĩ nội dung trên “nóng” vì nó liên quan sát sườn đến đời sống của người dân. Ðem tâm tư của người dân vào nghị trường, một số đại biểu Quốc hội không giấu được sự trăn trở khi người dân cho rằng, việc quy hoạch để phát triển đô thị là cần, nhưng không thể kéo dài tình trạng quy hoạch treo.

Ðất đai đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân, nhưng do quy hoạch treo, nên họ không thể xây nhà, không thể đầu tư, kinh doanh trên khu đất được trao quyền sử dụng. Tình trạng "đẩy khó" cho dân đã kéo dài, nhưng chậm được khắc phục.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, số liệu tổng hợp của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có 3.088 dự án, công trình chậm triển khai; trong đó 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng...

Một câu hỏi lớn được các đại biểu Quốc hội đặt ra là trong số 1.390 dự án bất động sản có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 - 6 lần, có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo ý muốn của chủ đầu tư? Quốc hội nghĩ gì khi có những dự án mật độ xây dựng được điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, số tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng? Quy hoạch đất đai ở đô thị có đang bị “bẻ cong” theo ý muốn của chủ đầu tư?

Hệ quả của các tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch các dự án nhiều lần không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân trong vùng quy hoạch, mà còn gia tăng áp lực về hạ tầng, cảnh quan đô thị...

Ðể khắc phục những “điểm đen” trong bức tranh quy hoạch, sử dụng, quản lý đất tại các đô thị trên cả nước, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là việc lập, công bố và phê duyệt, cũng như điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo công khai bằng việc người dân cần được tham gia vào quá trình lập, cũng như điều chỉnh quy hoạch. Khi phát hiện các sai phạm liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, cần dứt khoát xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Quốc hội đang quyết tâm làm sáng những “điểm đen” trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất ở đô thị để tạo ra những khu đô thị khang trang, hiện đại, đáng sống, qua đó mang lại lợi ích bền vững cho cả 3 nhà: Doanh nghiệp, người dân, Nhà nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Tin bài liên quan