Lãnh đạo hiệu quả: Ba bài học

Lãnh đạo hiệu quả: Ba bài học

(ĐTCK) Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vừa có bài viết đăng trên trang Mckinsey on Society chia sẻ về kinh nghiệm để một nhà lãnh đạo cấp quốc gia có thể triển khai hiệu quả các cải cách đối với đất nước mình. Đầu tư Chứng khoán xin trích đăng lại để độc giả tham khảo.

Một chiến dịch tranh cử là sự chuẩn bị tồi cho một chính phủ. Dĩ nhiên, bạn cần phải chiến thắng trong tranh luận để thuyết phục mọi người rằng bạn có tầm nhìn đúng cho đất nước. Nhưng bài học đầu tiên của một nhà lãnh đạo là: tạo ra tình huống thay đổi bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều việc thay đổi tình huống. Qua kinh nghiệm làm Thủ tướng Anh và quá trình làm việc với các nhà lãnh đạo trên khắp các lục địa, tôi đã nhận ra được 3 bài học cơ bản về cách làm thế nào để thực hiện những thay đổi thực sự trong chính phủ.

Ông Tony Blair từng là Thủ tướng Anh hai nhiệm kỳ (1997 -  2007) và là người sáng lập Quỹ Niềm tin Tony Blair cũng như tổ chức Sáng kiến chính phủ châu Phi, nơi ông đang làm việc.

Bài học đầu tiên là xác định mục tiêu ưu tiên liên tục. Là một nhà lãnh đạo, bất cứ người nào mà bạn gặp, họ đều tìm cách thuyết phục bạn giải quyết vấn đề của họ trước tiên. Nhưng nếu mọi thứ đều được ưu tiên thì sẽ chẳng có gì được làm cả. Bạn cần phải chọn ra một số ít ưu tiên và duy trì sự tập trung thực hiện chúng. Ở Rwanda, nơi tổ chức của tôi - Sáng kiến chính phủ châu Phi (AGI) - hoạt động từ năm 2008, quá trình phát triển ấn tượng của đất nước này đã được dẫn dắt bởi việc ưu tiên hóa một số mục tiêu, đầu tiên là xóa đói giảm nghèo và bây giờ là cải cách từng lĩnh vực để đưa nước này trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.

Bài học thứ hai có vẻ hiển nhiên, nhưng dù sao cũng cốt yếu: vấn đề con người. Để thực hiện những ưu tiên hàng đầu của mình, bạn cần những người đứng đầu - các bộ trưởng. Họ phải là những người mà bạn có thể tin cậy để làm đến cùng những cải cách cần thiết. Và trong bộ máy hành chính, bạn nên tuyển về những người có kỹ năng thừa hành tốt. Các bộ máy truyền thống được xây dựng để tư vấn chứ không phải để thực hiện sự thay đổi. Vì vậy, bạn cần xốc lại chúng bằng việc đưa vào những kỹ năng mới, cách tiếp cận mới, thường là từ các khu vực tư nhân hay tình nguyện. Khi còn làm Thủ tướng, tôi đã tuyển dụng những người mà chúng ta đều biết là họ có chuyên môn để có thể thực hiện những cải cách chuyên biệt. Với cùng lý do đó, tổ chức của tôi đặt trọng tâm vào việc giúp đỡ các chính phủ châu Phi thu hút nhân tài từ các khu vực tư nhân quốc tế và cộng đồng người châu Phi toàn cầu.

Bài học thứ ba của tôi là bạn cần phải xây dựng một hệ thống thích hợp để thực hiện. Ngày còn làm Thủ tướng Anh, tôi đã nhanh chóng học được rằng, nếu chính phủ của tôi phải thực hiện sự thay đổi nào đó thì việc đầu tiên tôi phải làm là thay đổi hệ thống của chính Chính phủ. Đây là lý do tại sao tôi thiết lập Nhóm hành động của Thủ tướng (PMDU) để phối hợp, quản lý và giám sát các hoạt động ưu tiên của chúng tôi trong toàn bộ máy. Chúng tôi chỉ đạt được tiến triển ở những vấn đề khó khăn nhất sau khi hệ thống này đã được thiết lập, cho phép hoạt động cải cách được điều khiển và giám sát từ trung tâm. Việc xếp hàng khám chữa bệnh là một ví dụ. Khi tôi nhậm chức thủ tướng vào năm 1997, người Anh đã phải chịu đựng việc chờ đợi đến một năm rưỡi các cuộc hẹn khám chữa bệnh. Bằng cách ưu tiên xử lý vấn đề này và quản lý nó thông qua PMDU, chúng tôi đã có thể cơ cấu lại các tuyến trách nhiệm, nhờ đó cắt giảm được thời gian chờ đợi, xử lý được các điểm tắc nghẽn khi chúng phát sinh, đồng thời đảm bảo rằng, tôi có thể can thiệp khi hệ thống đi chệch hướng. Cho đến khi thôi nhiệm thủ tướng, tôi đã đưa được thời gian chờ đợi khám chữa bệnh từ 18 tháng xuống còn 18 ngày.

Dù cuộc bầu cử không đưa bạn vào vị trí lãnh đạo thì những bài học về cách thực hiện sự thay đổi là rõ ràng và được áp dụng ở khắp mọi nơi. Trong vài năm qua, thông qua AGI, tôi đã làm việc với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi. Tôi cũng đã làm việc với các nhà lãnh đạo ở châu Mỹ Latinh, Trung Á, Đông Nam Á và vùng Vịnh thông qua các tổ chức tư vấn. Bất cứ nơi nào chúng tôi đã làm việc, có một điều rõ ràng: công dân có quyền mong đợi chính phủ thực hiện điều họ muốn. Họ mong đợi chính phủ tạo ra cơ hội việc làm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giáo dục và các dịch vụ phúc lợi xã hội, bảo đảm an toàn và an ninh. Các giải pháp cho các thách thức này trông giống nhau khi bạn ở Bắc Kinh, London , Monrovia , hay São Paulo . Tất cả chính phủ nên để tâm mở rộng vốn kiến thức của mình. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của những thách thức, nhưng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt chưa bao giờ giống nhau.