Nhà máy May DHA sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Đức Thanh

Nhà máy May DHA sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Đức Thanh

Lấp đầy đơn hàng tỷ đô, xuất khẩu vào đà tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Đơn hàng xuất khẩu của các nhóm hàng từ trên 1 tỷ USD tới vài chục tỷ USD được lấp đầy, là những chỉ dấu cho thấy, xuất khẩu trong những tháng tới sẽ tăng tốc mạnh hơn.

Đơn hàng dồi dào

Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã cơ bản có đơn hàng xuất khẩu với đối tác đến hết quý II, quý III năm nay, thậm chí hết cả năm. Hoạt động sản xuất đang bận rộn để “trả nợ” đơn hàng đúng hẹn cho đối tác.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2022 đạt 1,05 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.

Ấn tượng nhất là xuất khẩu thủy sản sang Mỹ thu về 842 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại thị trường Mỹ, tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao vọt so với năm trước, nhất là mặt hàng cá tra.

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, với 22 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng trên 5 tỷ USD.

Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh. Đó là những yếu tố chính khiến xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, với 232 triệu USD, tăng 128%.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho biết, quý I/2022, doanh thu xuất khẩu của Công ty đạt 58,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu đang thuận lợi, đơn hàng dồi dào do nhu cầu thủy sản, đặc biệt là tôm, tăng mạnh hơn khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tại các thị trường nhập khẩu. Đây là tiền đề để doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng kinh doanh đầy kỳ vọng trong năm 2022, với doanh thu khoảng 5.290 tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận trước thuế trên 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021.

Đối với ngành dệt may, tình hình thị trường xuất khẩu cũng khả quan hơn. Ông Lê Mạc Thuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nếu năm 2021, ngành may gặp không ít khó khăn do đợt dịch lần thứ tư bùng phát ở phía Nam, nhiều nhà máy bị đóng cửa, thì cục diện hiện nay đã thay đổi nhiều. Dịch bệnh được kiểm soát, lao động quay trở làm làm việc, tăng trưởng của ngành trong quý I/2022 đã quay lại thời điểm năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch bệnh.

Trong đó, doanh thu của doanh nghiệp may mặc trong hệ thống Vinatex tăng trung bình 1,2 - 1,5 lần, đặc biệt, có đơn vị đạt doanh thu gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu quý I/2022 của May Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai tăng 100%…

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Cầu thị trường may mặc hồi phục, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại đặt hàng. Không những vậy, đơn hàng còn dài hơi, với số lượng lớn”, ông Thuấn thông tin.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang làm không hết việc vì đơn hàng xuất khẩu đã ký gần hết năm. Kinh doanh thuận lợi, đơn hàng xuất khẩu gia tăng, riêng tháng 4/2022, doanh thu của TNG đạt 551,2 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp cán mốc 1.809,5 tỷ đồng, tăng 42% (tương đương mức tăng thêm gần 540 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021. Đáng nói là, doanh thu từ xuất khẩu chiếm đến 98,12% tổng doanh thu của Công ty.

Việc doanh nghiệp bận rộn, đơn hàng đầy ắp, xuất khẩu gia tăng cho thấy vị trí ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khắc phục trở ngại

Mặc dù đơn hàng xuất khẩu dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định, song các ngành sản xuất chủ yếu đang phải gồng mình trong cơn “bão giá” vì hầu hết các chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao, do tác động kép từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine.

Đối với mảng xơ sợi, dù xuất khẩu vẫn tăng gần 14% sau 4 tháng, đạt trên 1,9 tỷ USD, đơn hàng không thiếu, nhưng doanh nghiệp lại đang đứng trước thực tế giá bông cao hơn giá bán sợi, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sợi, trong khi chi phí sản xuất vẫn theo đà tăng.

Trong 4 tháng qua, nhập khẩu bông đạt 469.000 tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, giảm gần 20% về lượng, nhưng do giá bông tăng, nên trị giá nhập khẩu tăng gần 23,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp phải “cân não” với giá sợi, nhằm giảm thiểu rủi ro với lợi nhuận.

Khó khăn lớn nhất, theo các doanh nghiệp, là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và chi phí đầu vào gia tăng quá mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào có tỷ trọng nguyên liệu mua trong nước cao sẽ thuận lợi hơn. Lý do là, hầu hết các ngành nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước này đang thực hiện chính sách zero Covid-19, khiến chuỗi cung ứng bị chậm lại.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex khuyến cáo: “Trong 2 năm của đại dịch, nhiều thay đổi về hành vi kinh doanh trong các chuỗi cung ứng đã diễn ra và đang xác lập một chuẩn mực mới. Tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường ngày càng yêu cầu nhanh hơn, đòi hỏi phải tăng tốc ở tất cả các khâu, từ thiết kế, phát triển mẫu, sản xuất, tìm kiếm nguồn cung, đến phân phối. Doanh nghiệp phải tìm giải pháp để đáp ứng các yêu cầu này, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”.

Tin bài liên quan