Nhiều dự án của Đầu tư LDG bị chậm tiến độ và gặp vướng mắc về pháp lý

Nhiều dự án của Đầu tư LDG bị chậm tiến độ và gặp vướng mắc về pháp lý

LDG: Kỳ vọng trở thành thất vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn cổ đông lớn là một trong những nguyên nhân khiến Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG) chưa thể thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong bối cảnh nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý.

Tái diễn 2 lần tổ chức đại hội bất thành

Với tỷ lệ 22,5% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự, đại hội cổ đông thường niên 2023 của Đầu tư LDG tổ chức bất thành trong lần triệu tập đầu tiên vào ngày 11/5/2023. Đến lần triệu tập thứ 2 ngày 22/6/2023, tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ đạt 16,26% cổ phần có quyền biểu quyết và tiếp tục không đáp ứng được điều kiện tổ chức.

Theo điều lệ công ty, đại hội cổ đông được tiến hành khi có tỷ lệ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Nếu như đại hội lần 1 không thể tổ chức, đại hội lần 2 sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày sau đó, tỷ lệ tham dự ít nhất là 33%. Trường hợp đại hội lần 2 không thành, doanh nghiệp sẽ triệu tập đại hội lần 3 trong vòng 20 ngày và không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông tham dự.

Thực tế, năm nay không phải là lần đầu tiên Đầu tư LDG gặp khó khăn trong việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Mùa đại hội cổ đông năm ngoái, Công ty cũng phải triệu tập đại hội tới lần thứ 3, sau khi hai lần trước đó có tỷ lệ tham dự lần lượt là 29,56% và 30,14%.

Lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn

Từ ngày 28/10/2022 đến 19/5/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư LDG bị bán giải chấp tổng cộng gần 18,3 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 7,11% vốn điều lệ, khiến tỷ lệ sở hữu giảm còn 3,92%. Theo đó, Công ty không còn cổ đông lớn.

Gần đây, ông Nguyễn Minh Khang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đầu tư LDG bán ra toàn bộ 387.875 cổ phiếu LDG.

Việc triệu tập đại hội cổ đông liên tục bất thành khiến Đầu tư LDG đến cuối tháng 6/2023 vẫn chưa thông qua được kế hoạch kinh doanh năm nay, trong bối cảnh sức khỏe tài chính của Công ty có vấn đề, đặt ra yêu cầu tái cấu trúc tình hình tài chính cũng như hoạt động kinh doanh.

Tính tới cuối quý I/2023, Đầu tư LDG có lượng tiền mặt hơn 3 tỷ đồng, trong khi tổng nợ vay lên tới 1.224,3 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn 824,3 tỷ đồng, nợ vay dài hạn gần 400 tỷ đồng).

Cuối năm 2022, Đầu tư LDG phát sinh việc chậm thanh toán lãi lô trái phiếu mã LDGH2123002 với số tiền gần 5,3 tỷ đồng. Tính tới 31/3/2023, Công ty có dư nợ 359,7 tỷ đồng lô trái phiếu này. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 10/12/2023, mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động, lãi suất 11,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, kỳ thanh toán 1 tháng/lần.

Kỳ vọng trở thành thất vọng

Tháng 9/2020, Đầu tư LDG gây chú ý với việc công bố 5 dự án chiến lược, có tổng vốn đầu tư khoảng 61.000 tỷ đồng và ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn (S.A.M).

Khi đó, Đầu tư LDG chia sẻ, doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất gần 1.000 ha, trong đó có 4/5 dự án là đất sạch hoàn toàn. Bốn dự án đó là LDG Sky (Bình Dương), vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng; LDG River (TP.HCM), vốn đầu tư 4.411 tỷ đồng; LDG Grand miền Trung (Đà Nẵng), vốn đầu tư 5.924 tỷ đồng; LDG Grand miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư 17.353 tỷ đồng. Dự án còn lại là Grand miền Bắc (TP. Hạ Long, Quảng Ninh), vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cuối cùng.

Đầu tư LDG ghi nhận lỗ gần 39 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022 và lỗ gần 70 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023.

Theo Đầu tư LDG, 5 dự án trên sẽ được hoàn thành trong vòng 5 năm, ước tính đem lại tổng doanh thu hơn 81.300 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 14.200 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay, kết quả kinh doanh của Công ty tụt dốc, quý cuối năm 2022 ghi nhận lỗ gần 39 tỷ đồng và quý đầu năm 2023 lỗ gần 70 tỷ đồng.

Về phía S.A.M, ở thời điểm ký kết hợp tác, đơn vị này cho biết sẽ vừa đầu tư lâu dài thông qua mua cổ phần, vừa hỗ trợ Đầu tư LDG gọi vốn từ các nhà đầu tư khu vực châu Á và châu Âu, cả bằng hình thức đầu tư mua cổ phần lẫn đầu tư trực tiếp vào dự án. Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, S.A.M không có động thái mua cổ phần hay hỗ trợ tài chính cụ thể nào đối với Đầu tư LDG.

Ngày 21/6 vừa qua, Đầu tư LDG nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Louis Nguyễn vì lý do cá nhân. Ông Louis Nguyễn tham gia Hội đồng quản trị Đầu tư LDG từ ngày 30/6/2022, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc S.A.M.

Trong khi hợp tác với S.A.M chưa mang lại kết quả, Đầu tư LDG phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới pháp lý của quỹ đất đang sở hữu.

Tại TP.HCM, dự án High Intela và West Intela được Đầu tư LDG đưa vào kinh doanh từ năm 2019, nhưng gặp vấn đề về tiền sử dụng đất, nên dự án tạm ngưng triển khai, hiện chưa được khởi động trở lại.

Tại Đồng Nai, Đầu tư LDG triển khai dự án Viva, Viva City và Suối Son, tiến độ các dự án này rất chậm do bị thanh tra từ năm 2020 đến nay. Công ty cho hay, vi phạm ở các dự án là vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, cụ thể là xây dựng trước khi có đủ giấy tờ theo quy định.

Đáng lưu ý, cơ quan chức năng kết luận, Đầu tư LDG xây dựng “chui” gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Đồng Nai) và một số cá nhân liên quan đã bị khởi tố hình sự vào đầu năm 2023.

Theo Đầu tư LDG, Công ty đang thực hiện bổ sung các thủ tục theo quy định và báo cáo cơ quan chức năng theo kết luận thanh tra để sớm hoàn thành pháp lý dự án Khu dân cư Tân Thịnh.

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh có tên thương mại là Khu đô thị thông minh Viva Park, tổng diện tích sử dụng đất 18 ha. Trong đó, quy mô dự án là 680 căn nhà phố, biệt thự và 8 căn shophouse, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.290 tỷ đồng.

Đầu tư LDG đã ký hợp đồng nguyên tắc bán nhà cho 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Các khách hàng đã thanh toán cho Công ty từ 25 - 95% giá trị hợp đồng, có 7 hộ chuyển đến sinh sống. Trong khi đó, dự án chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.

Tính đến ngày 31/3/2023, giá trị hàng tồn kho của Đầu tư LDG phần lớn đến từ Khu dân cư Tân Thịnh, với 464 tỷ đồng, chiếm 42% tổng hàng tồn kho.

Như vậy, mặc dù giới thiệu quỹ đất lớn và tiềm năng, nhưng pháp lý nhiều dự án của Đầu tư LDG không rõ ràng, các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính hạn chế khiến Công ty không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn. Tình trạng này dẫn tới giá cổ phiếu LDG lao dốc trong năm 2022, từ đó đến nay dao động trong vùng đáy nhiều năm là 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan