Động thái của khối ngoại gần đây có xu hướng đi ngược với nhà đầu tư trong nước.

Động thái của khối ngoại gần đây có xu hướng đi ngược với nhà đầu tư trong nước.

Lệch pha nội - ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi tâm lý nhiều nhà đầu tư nội chuyển từ lạc quan sang thận trọng, thì khối ngoại có động thái giảm dần bán ròng.

Vốn ngoại giảm bán ròng

Suốt giai đoạn dài, từ đầu năm 2020, khối nhà đầu tư ngoại miệt mài bán ròng. Quý I/2022, khối này bán ròng 6.561 tỷ đồng. Tuy vậy, việc bán ròng của khối này có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây, giúp giá trị bán ròng quý đầu năm nay giảm gần 63% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong khi khối ngoại bán ròng 7.275 tỷ đồng trên sàn HOSE thì lại mua ròng trên HNX và UPCoM, với giá trị lần lượt là 164 tỷ đồng và 550 tỷ đồng.

Quý I, khối ngoại bán ròng 7.275 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhưng mua ròng trên HNX và UPCoM, với giá trị lần lượt là 164 tỷ đồng và 550 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE nhận xét, trong 3 tháng đầu năm, dù có một vài phiên bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 3, nhưng xu hướng chung của khối ngoại là giảm bán ròng so với thời gian trước.

Trong năm 2022, trước những thay đổi theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước phát triển, đã có một cuộc dịch chuyển dòng vốn từ các thị trường phát triển đến các thị trường mới nổi.

Bà Linh kỳ vọng, Việt Nam - với những chính sách kích thích kinh tế và giữ được tỷ giá ổn định - sẽ là điểm đến của dòng vốn này.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS-UPCoM) cho rằng, việc khối ngoại giảm dần việc bán ròng đã thành xu hướng từ năm 2021. Trong năm 2022, nếu không còn yếu tố bất ngờ, có thể khối này còn thực hiện mua ròng trở lại.

“Có vẻ hiện tại các bất ổn không còn yếu tố bất ngờ nữa, dịch bệnh giờ cũng không còn gây lo sợ khi mọi người dần quen, chiến sự cũng vậy. Do đó, có thể khối ngoại sẽ quay trở lại việc mua ròng trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, có thể các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, vật liệu xây dựng, ngân hàng và chứng khoán sẽ được khối ngoại hướng tới nhiều hơn.

Có quan điểm thận trọng hơn, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, hiện vẫn còn sớm để đưa ra kết luận về sự chuyển hướng của dòng tiền trong năm 2022.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh bình thường hóa, dòng tiền phân tán từ khối nhà đầu tư nội trong khi dòng vốn ngoại đang hồi phục thì dòng tiền sẽ có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt để hạn chế rủi ro. Nhóm cổ phiếu VN30 sẽ dần lấy lại vị thế nền tảng và dẫn dắt thị trường như các năm trước đây”, ông Khoa nói.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cũng có nhận xét, khối ngoại đang có dấu hiệu mua ròng trở lại nhưng chưa nhiều. Giai đoạn trước, khối ngoại rất nhạy cảm với các diễn biến vĩ mô như lệnh phong tỏa phòng chống dịch, hay số liệu tăng trưởng GDP thấp... và khi có e ngại thì bán ra là điều dễ hiểu.

Thời gian gần đây, tốc độ bán ròng đang được hãm lại, điều này cũng đến từ các yếu tố vĩ mô, như Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi kinh tế, tập trung cho tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hàng loạt các chính sách kích thích mạnh mẽ khác.

“Động thái của khối ngoại luôn phản ánh độ nhạy với kinh tế vĩ mô, do đó, nhóm ngành khối này quan tâm thời gian tới khả năng cao cũng gắn với chuyện phục hồi kinh tế, những ngành nghề được hưởng lợi từ gói kích thích và chính sách kích thích tăng trưởng”, ông Kiên nói và cho biết thêm, khối này vẫn sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp, các công ty đa ngành nghề, bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp hay các cổ phiếu đầu ngành, các doanh nghiệp ít tác động đến môi trường vì quan điểm đầu tư đi cùng với phát triển bền vững.

Lệch pha với nhỏ lẻ

Quy mô dòng tiền ngoại chiếm tỷ trọng không lớn trên thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng giai đoạn trước dòng vốn này luôn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, được nhà đầu tư cá nhân trong nước xem như một chỉ báo quan trọng.

Tuy vậy, điều này đã thay đổi kể từ đầu năm 2020 tới nay, khi dịch bệnh Covid-19 kích thích dòng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân ồ ạt đổ vào thị trường, đưa chỉ số liên tục vượt đỉnh. Lực cầu lớn của dòng tiền trong nước giai đoạn trước đã “nuốt chửng” hết lượng bán ra của khối ngoại. Và đến nay, khi tâm lý nhà đầu tư trong nước đang bị ảnh hưởng bởi nhiều tin đồn thất thiệt trên thị trường, dòng tiền ngoại lại có dấu hiệu ngược dòng.

Ghi nhận của người viết với nhiều nhà đầu tư cá nhân, động thái của khối ngoại chỉ được họ xem là thông tin tham khảo về mặt vĩ mô, chứ họ không có ý định theo dấu chân của khối này.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Kiên cho rằng, có tới 90% số nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, phong cách chủ đạo là lướt sóng, trong khi khối ngoại lại chủ yếu đầu tư trung hạn, do đó, không có nhiều người dùng động thái giao dịch của khối ngoại làm tham chiếu.

Đồng quan điểm, bà Linh cho rằng, việc bám theo quỹ ngoại ETF đã không còn hiệu quả trong những năm gần đây, khi có nhiều nhà đầu tư “bắt bài” được ETF và có những giao dịch trước đó. Hiện dòng tiền mới của khối ngoại vẫn ưu ái nhóm cổ phiếu bán lẻ, xuất khẩu, và hàng hóa thiết yếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền của khối này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sớm để chờ đợi vào việc dòng vốn ngoại sẽ mang lại hiệu ứng ngay trên sàn chứng khoán, dù sự quan tâm trở lại đã rõ nét hơn so với thời gian trước.

Chia sẻ thêm về câu chuyện đầu tư, bà Linh cho rằng, năm 2022 việc kiếm lợi nhuận dễ dàng trên thị trường chứng khoán không còn nữa do mặt bằng thị giá của cổ phiếu trên sàn không còn rẻ, các câu chuyện về tiềm năng tăng giá đã được kể trên diện rộng, giá cổ phiếu đã phản ảnh cho kỳ vọng phục hồi hậu Covid-19.

Bà Linh cho rằng, chiến lược đầu tư 2022 sẽ cần chọn lọc hơn. Trong đó, nhà đầu tư có thể lưu tâm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế như: đầu tư công, bất động sản công nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới việc lạm phát tăng trở lại và chu kỳ phục hồi của nhóm cổ phiếu hàng hóa: dầu khí, hóa chất, phân đạm…, tiếp đến là nhóm ngành xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ; vận tải hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu vận tải gia tăng.

“Năm 2022 sẽ là năm của các cổ phiếu có những câu chuyện riêng. Ví dụ như cổ phiếu bất động sản thương mại được ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ dự án, bất động sản khu công nghiệp với những hợp đồng thuê mới. Hay cổ phiếu thuộc nhóm hạ tầng được trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia, cổ phiếu ngành sản xuất tiếp tục có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 2 con số, các dự án mới đến ngày triển khai hoặc đưa vào khai thác”, bà Linh đánh giá.

Cũng nêu quan điểm về thị trường, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022 thị trường sẽ có sự phân hóa rõ rệt, không còn tăng theo kiểu tất cả cùng tiến như năm 2021.

“Diễn biến giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, do đó nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật thông tin này”, ông Thịnh nói.

Tin bài liên quan