Các quỹ ngoại liên tiếp rót vốn vào doanh nghiệp địa ốc TP. HCM

Các quỹ ngoại liên tiếp rót vốn vào doanh nghiệp địa ốc TP. HCM

Lệch pha vốn ngoại trên thị trường địa ốc, tại sao?

(ĐTCK) Là 2 thị trường bất động sản lớn nhất nước, nhưng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực địa ốc tại Hà Nội và TP. HCM lại có sự lệch pha rõ nét. Trong khi doanh nghiệp địa ốc TP. HCM liên tục đón nhận dòng vốn ngoại, thì tại Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp nội vẫn phải tự thân vận động.

Sau 4 năm trầm lắng, từ năm 2014, thị trường bất động sản đã có sự hồi phục rõ nét, với lượng giao dịch thành công tăng mạnh, nhất là ở phân khúc căn hộ. Sự phục hồi mạnh mẽ này đã gây được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có không ít quỹ đầu tư. Bước sang năm 2015, xu hướng phục hồi càng rõ nét hơn, nên đã kích tích nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài rót cả tỷ USD vào doanh nghiệp địa ốc hoặc các dự án bất động sản.

Thế nhưng, theo dõi dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam cho thấy có sự lệch pha rõ nét, khi dòng vốn này chủ yếu tập trung ở phía Nam, đặc biệt là TP. HCM.

Theo Cục Thống kê TP. HCM, đến giữa tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm trên địa bàn Thành phố là 2,02 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 1,3 tỷ USD, tương đương 65%.

Ở các thương vụ cụ thể, Quỹ Creed Group của Nhật Bản đã ký thỏa thuận rót 200 triệu USD vào Công ty Bất động sản An Gia để mua cổ phần và góp vốn đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn TP. HCM với An Gia theo tỷ lệ 50/50. Trước đó, quỹ này cũng đã đầu tư gần 100 triệu USD vào phát triển Dự án City Gate, quận 8 cùng Công ty Năm Bảy Bảy.

Quỹ đầu tư của Tập đoàn Global Emerging (của Mỹ) cũng đã đầu tư 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân, VinaCapital đầu tư 15 triệu USD vào Novaland. Bên cạnh đó, nhiều quỹ khác như Gaw Capital Partners, Dragon Capital, Mutual Fund Elite… cũng đầu tư vào các công ty địa ốc phía Nam.

Trong khi dòng vốn ngoại đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại TP. HCM rất sôi động, thì tại thị trường bất động sản Hà Nội, dòng vốn ngoại lại tỏ ra kém mặn mà.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, TS. Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, sở dĩ địa ốc TP. HCM thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì đây là thị trường lớn nhất cả nước, thu hút nhiều khách hàng từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh, thành lân cận. Với sức cầu lớn, thị trường địa ốc TP. HCM đã hấp dẫn các quỹ nước ngoài.

Theo nhận định của bà Loan, với nguồn cầu hiện nay, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ có quá trình phát triển kéo dài đến tận năm 2050 mới chững lại.

Nhu cầu về nhà ở lớn, nên thị trường bất động sản TP. HCM sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, dẫn tới, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Một lý do tiên quyết khác, theo bà Loan là chính quyền Thành phố rất coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính và rất quyết liệt trong cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức - Việt cho rằng, TP. HCM đã có những bước đi trước về cải cách hành chính, đặc biệt Thành phố rất quyết liệt trong cải cách, cởi mở và cầu thị với nhà đầu tư.

Ngoài ra, thị trường bất động sản TP. HCM cũng minh bạch hơn, không có sự tăng giá đột biến. Điều này, theo ông Điệp khác hẳn với Hà Nội, khi đa số doanh nghiệp có tâm lý “đắt bán chơi, rẻ để đấy”, khiến thị trường nhiều khi phát triển lệch lạc, thiếu ổn định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan