Có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng

Có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng

Liên kết 4 nhà, cuộc chơi không đơn giản

(ĐTCK) Cuối tháng 3/2014, thị trường bất động sản phấn khởi trước sự kiện Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tung ra thị trường gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà. Tuy nhiên, kết quả mà gói tín dụng này mang lại cho thị trường đến nay vẫn là một ẩn số.

“Chiêu” PR?

Sau khi giới thiệu gói tín dụng 50.000 tỷ đồng trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, khiến báo chí tốn không ít giấy mực, cái “được” lớn nhất của các nhà tổ chức có lẽ là hình ảnh, thương hiệu được quảng bá rộng rãi, nhiều người biết đến VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, còn kết quả triển khai đến đâu không được công bố. Hiện tại, gói tín dụng liên kết 4 nhà (ngân hàng - chủ đầu tư - đơn vị thi công - đơn vị cung ứng vật liệu) này gần như rơi vào quên lãng.

Bình luận về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng nêu trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu như có sự tham gia của nhiều ngân hàng thì đương nhiên là hoàn toàn có thể cung ứng được. Tuy nhiên, nói là gói liên kết, nhưng trách nhiệm vẫn cụ thể, ngân hàng nào cho vay khoản nào thì ngân hàng đó chịu trách nhiệm, chứ không có cơ chế chịu trách nhiệm tập thể. Vì thế, hiệu quả của gói tín dụng này có kích thích được tín dụng hay không thì còn phải chờ, vì các ngân hàng phải cân nhắc về đối tượng cho vay và có những yêu cầu, điều kiện cho vay.

Xuất phát từ thực tế thị trường, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cảnh báo, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng có thể tạo ra nhóm độc quyền.

“Quyết định thành công hay thất bại của xây dựng là nhà thi công và nhà cung ứng vật liệu đều phải tốt, mà rẻ. Do đó, muốn gói tín dụng này thành công, phải để chủ đầu tư được chọn nhà thi công và cung ứng vật liệu xây dựng”, ông Đực nhấn mạnh.

Thận trọng

Gói tín dụng chưa mang lại hiệu quả, theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB, là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Sự thiếu tin tưởng này đã làm cho các giao dịch kinh tế của thị trường bất động sản gặp khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, phương thức liên kết 4 nhà trong chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng có mục đích tốt, nhưng cách làm cần phải được thực hiện nghiêm túc.

“Quy mô chuỗi liên kết không quan trọng là 50.000 tỷ đồng hay 70.000 tỷ đồng, mà điều quan trọng là làm tốt thì ngân hàng sẽ vào cuộc, người dân sẽ tham gia, doanh nghiệp vào cuộc và gói tín dụng sẽ to ra. Nếu thực hiện đúng, các dự án bất động sản sẽ được khơi thông, lấy lại được lòng tin của khách hàng; trường hợp vận hành sai, lòng tin của người dân sẽ giảm, thị trường tiếp tục khó khăn”, ông Nam nói.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản cho phép 8 ngân hàng tham gia triển khai thí điểm tín dụng liên kết 4 nhà gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank, VNCB, VCB, SHB, Lienviet Post Bank và MHB. Việc triển khai thí điểm sản phẩm này dựa trên Đề án của BIDV và cam kết của các bên. BIDV được giao chủ trì phối hợp cùng 7 ngân hàng còn lại soạn thảo Thỏa thuận hợp tác, chọn 3 dự án tiêu biểu trong 3 lĩnh vực là bất động sản, năng lượng và giao thông với sự tham gia tối thiểu của 2 ngân hàng để thỏa thuận và ký kết hợp đồng. Agribank được giao tham gia triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà trong lĩnh vực giao thông, xây lắp và nhà xã hội. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thực hiện theo quyết định riêng. Thời gian thí điểm triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà là 1 năm kể từ thời điểm ký thỏa thuận khung hợp tác triển khai.

Sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo trên cho thấy, mô hình liên kết 4 nhà trên thực tế là một cuộc chơi không đơn giản, thậm chí có thể mang lại hệ lụy khó lường nếu những người tổ chức chỉ có ý định quảng bá hình ảnh, mà không chú ý đến cơ sở để vận hành thông suốt những gói tín dụng "khổng lồ" này.

Năm 2013, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã từng phát động triển khai mô hình liên kết 4 nhà. Cụ thể, BIDV đã ký cam kết với Công ty Địa ốc Hoàng Quân và Tập đoàn Thiên Thanh để phát triển Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (TP. HCM). Theo thỏa thuận, chủ đầu tư dự án này là Công ty Hoàng Quân sẽ bán toàn bộ 1.735 căn hộ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, BIDV đã tiến hành giải ngân khoảng 200 tỷ đồng trên 540 tỷ đồng cam kết từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ để triển khai Dự án HQC Plaza, chứ không phải từ nguồn vốn huy động của BIDV.

Tin bài liên quan