Việc biên soạn, thẩm định, phát hành… sách giáo khoa được xác định là tồn tại nhiều hạn chế

Việc biên soạn, thẩm định, phát hành… sách giáo khoa được xác định là tồn tại nhiều hạn chế

Liệu có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Song, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan điểm khác.

Trong Phiên họp thứ 25 khai mạc đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Theo báo cáo kết quả giám sát, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được xây dựng bài bản, công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát chỉ rõ, Chương trình ban hành chậm so với yêu cầu 30 tháng, chương trình các môn học tiếng dân tộc thiểu số, chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, chương trình một số môn ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh) chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ với chương trình tổng thể.

“Điều này là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ biên soạn sách giáo khoa và lộ trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13. Chính phủ đã phải báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Đoàn giám sát nhận định.

Về đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn Giám sát cho rằng, nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy nhiều hạn chế trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Đoàn Giám sát, “việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước”.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương, gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm về quản lý nội dung giáo dục phổ thông (thể hiện qua nội dung sách giáo khoa).

Sau khi chỉ ra các hạn chế từ các khâu biên soạn, thẩm định, phát hành… sách giáo khoa, Đoàn Giám sát nêu nhiều kiến nghị với các cơ quan liên quan, trong đó kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đoàn Giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Tuy nhiên, phát biểu trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn Giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội “hết sức cân nhắc điều này”.

Lý do là, Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh; còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không”, ông Sơn đặt vấn đề.

Cảm ơn Đoàn Giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, song ông Sơn thẳng thắn: “Cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng. Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới”.

Theo Bộ trưởng, “cần có nhất lúc này là một nghị quyết giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Đặc biệt và quan trọng nhất là làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực. Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo”.

Phát biểu tại phiên giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, xem kinh nghiệm thế giới đến đâu và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam thế nào.

“Không thể nói sách giáo khoa là không quan trọng được, nó là thể chế cốt lõi nhất của của chương trình, dù đương nhiên không thay được người dạy. Sách giáo khoa không hoàn toàn chỉ là học liệu đơn thuần, không phải thế đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khẳng định xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, song Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

“Cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88, nếu thấy cần điều chỉnh, thì báo cáo lại với Quốc hội lý do tại sao không biên soạn bộ sách này”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chiết khấu tối đa quá cao

Theo kết quả giám sát, chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Mức chi phí này với việc phát hành hàng triệu bản, gần như ai cũng bắt buộc phải mua, trong khi chi phí này không những cấu thành, mà còn tác động nhiều nhất đến giá bán, thì có hợp lý không.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tin bài liên quan