Lộ mặt trò lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận

Lộ mặt trò lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận

(ĐTCK-online) Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt hàng loạt đối tượng trên nhiều tỉnh thành, có hành vi lừa đảo tài chính qua mạng Internet. Đưa ra mức lãi suất hấp dẫn choáng ngợp 60 - 90%/tháng, những “doanh nhân” dởm này thiết lập các chân rết len lỏi vào từng ngõ ngách, lừa đảo hàng chục nghìn người dân với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Những mạng đầu tư kiểu này có tên Colony Invest, LasVegas Invest, Callys Invest, Vip-viet.com... huy động vốn tín dụng qua Internet với lãi suất 3%/ngày. Nhà đầu tư nộp tiền và được trả bằng điểm ảo trên mạng, có thể lấy lãi hàng ngày, giới thiệu càng nhiều người càng được chia lắm hoa hồng.

Xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, tất cả công ty huy động vốn qua mạng trên đều không có thật, chỉ có trang web và đặt máy chủ ở nước ngoài để lừa nhà đầu tư, cấp tài khoản và điểm. Những trang web này hầu hết được quản trị bởi người Việt Nam cư trú ở Việt Nam , chỉ có trang www.colonyinvest.net có tên miền đặt tại Mỹ và có một người quản trị tại Hồng Kông. Công ty Colony Invest Management Inc - chủ sở hữu trang này, cũng không có đại diện, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Những người tham gia đầu tư chỉ có quyền truy cập tài khoản của mình do đại lý cấp. Việc đầu tư tiền chỉ trao tay, không có phiếu thu, hóa đơn, chứng từ...

Với mô hình đa cấp, tiền lãi thực chất là tiền nhà đầu tư cấp dưới trả cho nhà đầu tư cấp trên. Khi số lượng nhà đầu tư và lượng tiền đã quá lớn, những đối tượng đứng đầu mạng lưới rút hết tiền khỏi tài khoản và đánh sập mạng. Trong số liệu thống kê của cơ quan điều tra thông qua phân tích trang www.colonyinvest.net cho thấy, có khoảng 55,6% lượng truy cập là từ Việt Nam, 32,5% từ Thái Lan, 2,6% từ Trung Quốc, 2% từ Philippines, 1,7% từ Mỹ... Tại Việt Nam, tỷ lệ truy cập lớn nhất ở Hà Nội với 42,4%, người dân TP. HCM tỉnh táo hơn với 9,5%.

Ba đầu mối lớn bị lật tẩy gồm Hoàng Thị Bây, thường trú tại Lạng Sơn - một nhân vật quan trọng trong hệ thống đại lý của mạng Colony Invest, Nguyễn Văn Dân ở mạng lưới Callys Invest và Vũ Thị Thu Hằng, tổng đại lý Colony Invest ở Việt Nam. Chỉ riêng đầu mối Vũ Thị Thu Hằng, từ ngày 16/2/2006 đến ngày 19/10/2007 đã có 256 lượt chuyển tiền vào tài khoản của Hằng, với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng và không có dấu hiệu chuyển tiếp cho người khác. Cơ quan điều tra cũng xác định, có thể Hằng là tuyến cao nhất, chiếm phần lớn tiền của nhà đầu tư. Đối với những đầu mối nhỏ hơn, số tiền nộp vào cũng lên tới hàng tỷ đồng, có ở Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đồng Nai... Ước tính ban đầu, số tiền góp cho những mạng ảo này lên tới 150 tỷ đồng.  Do góp vốn theo thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ nên những nhà đầu tư vào mạng ảo khó có căn cứ để chứng minh số tiền mình đã nộp. Hơn nữa, rất đông người đầu tư chưa lấy lãi mà chuyển thành điểm nên thiệt hại có thể rất lớn.

Trên thực tế, chẳng có tổ chức tài chính lớn nào trên thế giới đi gom vốn lẻ tẻ như vậy và cũng không có ngành kinh doanh hợp pháp nào có thể trả tiền lời 3% mỗi ngày. Tại TP.HCM trước đây, nhiều người đã trắng tay vì vụ nước hoa Thanh Hương và GoldenRock.   

Theo nhận định của cơ quan điều tra, tại Việt Nam vẫn còn nhiều đầu mối và trong những ngày tới, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục lần theo các đầu mối để làm rõ những mạng lừa đảo kiểu này.