Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Hải quan - Ảnh minh họa: Báo Hải quan

Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Hải quan - Ảnh minh họa: Báo Hải quan

Lo ngại về công chức hải quan

(ĐTCK) Có nhiều doanh nghiệp phản ánh cụ thể về thủ tục hải quan, nhiều khi do hải quan không theo kịp vấn đề, không hiểu nên ‘ngâm’ dẫn đến hàng hóa lưu kho, lưu bãi kéo dài.

Chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hải quan sửa đổi. Các đại biểu đều nhận xét đây là đạo luật rất quan trọng nhưng còn nhiều vấn đề cần xem xét nhất là công chức hải quan.

Đại biểu Lê Đông Phong cho rằng, quy định về quản lý rủi ro cần phải được làm rõ
nội hàm nếu không có tình trạng công chức sẽ lợi dụng. Chia sẻ những vụ án thực tế, đại biểu Phong cho biết từng có DN nhập vải nguyên liệu để gia công và xuất thành phẩm nhưng thực tế DN không hề gia công. Trong quá trình nhập không hề bị kiểm tra chỉ sau này mới phát hiện. 

Quản lý rủi ro là phân loại nguy cơ và tập trung ‘đánh’ vào nguy cơ lớn nhất nên cần điều tra giám sát trong, ngoài đồng thời khuyến khích nguồn hàng nguy cơ thấp từ đó có chuyện phân loại luồng xanh lá, vàng, đỏ… Nhưng nếu không làm rõ thì có nguy cơ công chức hải quan lợi dụng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cung cấp thêm thông tin tại Hội thảo về Phòng chống tham nhũng do VCCI tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, theo khảo sát của Ngân hàng thế giới cho thấy hải quan là một trong hai ngành được hối lộ nhiều nhất.

Có nhiều doanh nghiệp phản ánh cụ thể về thủ tục hải quan, nhiều khi do hải quan không theo kịp vấn đề, không hiểu nên ‘ngâm’ dẫn đến hàng hóa lưu kho, lưu bãi kéo dài. Vấn nạn này làm suy giảm sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam đối với các quốc gia xung quạnh. Do đó, mục tiêu sửa luật là xác định nhiệm vụ của hải quan và bám theo nhiệm vụ này.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng không nên thành lập cơ quan hải quan theo các đơn vị hành chính bởi nhiều nơi không có cửa khẩu hoặc là lượng hàng hóa quá ít cũng lập cơ quan hải quan. Chỉ nên có cơ quan hải quan tại những tỉnh, thành có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Những nơi ít lượng hàng nên thành lập cục liên tỉnh.

Cũng không nên tại một địa phương có vài cục hải quan. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng xu hướng này đẻ thêm chức, thêm ghế… Nếu địa phương đó hoạt động xuất nhập  khẩu lớn, phức tạp như TP. HCM thì có thể tổ chức cục đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

Bàn về nhiệm vụ của hải quan, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định dự thảo quá chung chung, lẫn lộn giữa biện pháp và nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên của hải quan là làm sao cho hàng hóa hợp pháp được thông xuất nhanh chất và thứ hai là phải hạn chế được hàng hóa gian lận, trái phép. Nếu theo quy định của dự thảo thì hải quan dễ sa đà vào kiểm tra, giám sát thay vì hướng tới mục tiêu làm sao để hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu tốt nhất, nhanh nhất.

Trước đó, theo Tờ trình dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Luật Hải quan (sửa đổi) tập trung bốn nội dung cơ bản.

Thứ nhất là nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Hai là nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.

Ba là nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Bốn là nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

>> Quan ngại về việc lạm dụng chỉ định thầu

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế

>> Sử dụng trái phiếu phải minh bạch

>> Quốc hội hối thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế  

>> Hạn chế tranh chấp với Hải quan, được không?  

>> Dự thảo sửa đổi Luật Hải quan, dễ “hành” doanh nghiệp

>> EAC và hải quan đưa nhau ra tòa