Lo ngại việc Fed "diều hâu" hơn, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Hai (22/8), khi các nhà đầu tư lo lắng về cuộc họp của Fed vào cuối tuần này tại Jackson Hole với dự báo sẽ có thêm những cam kết mạnh mẽ và diều hâu hơn trong việc tăng lãi suất để dập tắt lạm phát.
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Phiên này, tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều giảm điểm, dẫn đầu là ngành tiêu dùng giảm 2,84%, tiếp theo là ngành công nghệ thông tin giảm 2,78%.

Các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng là những gánh nặng lớn nhất với Nvidia Corp giảm 4,6%, Amazon.com giảm 3,6%, Netflix sụt 6,1%, trong khi Microsoft Corp và Apple đều mất hơn 2%, sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ năm tăng vượt mốc 3% lên mức cao nhất kể từ ngày 21/7.

Trọng tâm thị trường theo dõi hiện này là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu tại hội nghị thường niên ở Jackson Hole, để biết thêm các dấu hiệu về với các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Các nhà giao dịch đang nghĩ nhiều hơn đến kịch bản tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba của Fed, sau khi một số nhà hoạch định chính sách gần đây đã đẩy lùi kỳ vọng về sự xoay trục ôn hòa và nhấn mạnh cam kết của Fed trong việc chống lạm phát.

Robert Cantwell, nhà quản lý danh mục tại Upholdings, chia sẻ: “Khi bạn thấy thị trường đang giảm xuống như thế này, điều đó phản ảnh việc Fed buộc phải quyết liệt hơn nữa để làm chậm nền kinh tế nếu muốn làm giảm lạm phát”.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 643,13 điểm (-1,91%), xuống 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,49 điểm (-2,14%), xuống 4.137,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 323,64 điểm (-2,55%), xuống 12.381,57 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng, do lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung khí đốt từ Nga, tín hiệu diều hâu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và triển vọng kinh tế yếu kém đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,96% xuống 433,17 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/7.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết hôm thứ Sáu cho biết, sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong ba ngày cuối tháng này, góp thêm phần gây áp lực lên châu lục này khi nước này tìm cách tiếp nhiên liệu trước mùa đông

Cổ phiếu Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga hàng đầu của Đức chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và giảm 7,7% xuống gần mức thấp kỷ lục, trong khi công ty mẹ Fortum giảm 4,4%.

Chỉ số DAX của Đức giảm 2,3% trong phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần bảy tuần.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang xấu hơn. Sóng nhiệt đã gây căng thẳng cho nguồn cung và có vẻ như bất kỳ sự gián đoạn nào trong mùa đông đều có thể gây thêm những thiệt hại mới”.

Thị trường hiện đặt trọng tâm vào dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của khu vực đồng euro và do vào thứ Ba và biên bản cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

Giới phân tích dự báo ECB phải tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả khi suy thoái kinh tế ở Đức ngày càng có khả năng xảy ra, vì lạm phát sẽ ở mức cao khó chịu cho đến năm 2023, Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel nói với một tờ báo Đức.

Cổ phiếu đáng chú ý là nhà điều hành rạp chiếu phim số 2 thế giới Cineworld của Anh giảm mạnh 21,4%, sau khi xác nhận có khả năng nộp đơn phá sản.

Hãng sản xuất đồ thể thao của Đức Adidas giảm 5,2% khi bất ngờ cho biết Giám đốc điều hành Kasper Rorsted sẽ rời chức vụ của mình vào năm tới.

Kết thúc phiên 22/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 16,58 điểm (-0,22%), xuống 7.533,79 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 313,95 điểm (-2,32%), xuống 13.230,57 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 117,09 điểm (-1,80%), xuống 6.378,74 điểm.

Giá dầu thô thu hẹp đà đi xuống và chỉ còn giảm nhẹ, nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc phục hồi, sau khi nước này liên tiếp thực hiện các quyết định hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế.

Ngoài ra, mặt hàng này cũng được hỗ trợ, sau khi khi Bộ trưởng Arab Saudi cho biết, OPEC+ kết sự linh hoạt và phương tiện để đối phó với các thách thức và đưa ra các hướng dẫn bao gồm cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào và dưới các hình thức khác nhau.

Kết thúc phiên 22/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,54 USD/thùng (-0,60%), xuống 90,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD/thùng (-0,25%), xuống 96,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan