Phải làm đúng quy hoạch khi cho phép các dự án FDI tăng vốn. Ảnh: Bloomberg.

Phải làm đúng quy hoạch khi cho phép các dự án FDI tăng vốn. Ảnh: Bloomberg.

Lo ngại với các dự án tỷ đô tăng vốn

Bên cạnh sự vui mừng vì nhận thêm hàng tỷ USD từ những dự án FDI tăng vốn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ quan điểm phải thận trọng, khi việc cấp phép các dự án này có thể thay đổi hoàn toàn quy hoạch ngành.

Theo số liệu 5 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các dự án mới, nhà đầu tư cũng tích cực rót thêm vốn vào các dự án đang triển khai. Cụ thể, đã có 160 lượt dự án FDI tăng vốn trị giá hơn 3,4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng chung 9% của lượng vốn FDI đổ vào cả nước.

 

Đóng góp lớn trong số vốn tăng là việc nhà đầu tư Nhật Bản góp thêm 2,8 tỷ USD vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa. Không dừng lại ở đó, nhiều dự án trong ngành năng lượng, nguyên liệu cũng đang được nhà đầu tư nước ngoài nhắm cho kế hoạch mở rộng. Những cái tên phải kể tới như Formosa đang đề xuất tăng vốn gần 3 lần, lên 28,5 tỷ USD cho dự án nhà máy gang thép tại Hà Tĩnh. Lọc hóa dầu Vũng Rô cũng xin tăng vốn lên gấp đôi lên 3,2 tỷ USD.

 

Đi cùng với việc tăng vốn hàng tỷ USD chính là việc nâng công suất cho các dự án. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, nơi xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, nếu giữ nguyên công suất ban đầu 4 triệu tấn sản phẩm mỗi năm thì "hiệu quả thấp và không có lãi", do đó chủ đầu tư đề nghị tăng công suất lên gấp đôi. Trong khi đó, dự án Formosa cũng có tham vọng tăng công suất lên gấp 3 lần so với hiện nay.

 

Với những dự tính của ông chủ nước ngoài, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, những cam kết tăng vốn này sẽ khiến Việt Nam đạt được thành tựu không nhỏ trong kế hoạch thu hút FDI hàng năm, song cũng đặt ra nhiều lo ngại khi quy hoạch ngành năng lượng, sắt thép trong nước sẽ bị ảnh hưởng.

 

"Hiện nay Việt Nam đang có khoảng 4 đến 5 dự án lọc hóa dầu xin cấp phép hoặc đang triển khai bên cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với ngành thép, hiện nay nguồn cung trong nước còn đang có dấu hiệu dư thừa. Do đó, cần phải thận trọng trong việc cho phép các dự án này tăng công suất để tránh ảnh hưởng tới cung cầu thị trường trong nước", vị chuyên gia này nhận định.

 

Ông cũng lấy ví dụ về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. Trước đây, khi Tập đoàn dầu khí Thái Lan đặt vấn đề xây dựng nhà máy, phía Tập đoàn dầu khí Việt Nam và một số chuyên gia đã phản đối quyết liệt bởi nguy cơ sẽ gây thừa cung với thị trường nội địa, giảm hiệu quả của nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...

 

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho hay, dự án lọc dầu Nhơn Hội là dự án lớn, nếu làm được sẽ có tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam nhưng cũng phải "cân nhắc kỹ về quy hoạch".

 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cảnh báo với các địa phương về việc không nên ồ ạt cho phép các dự án FDI tăng vốn mà chưa cân nhắc kỹ lương. "Phải đảm bảo các dự án thực hiện đúng quy hoạch, nếu chỉ vì lợi ích của địa phương cấp phép cho dự án không phù hợp thì sẽ gây nguy hiểm lâu dài", ông cho biết.

 

Tại Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dòng vốn FDI chưa cao là do các địa phương vì cạnh tranh mà cấp phép cho các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và khai thác tài nguyên không hiệu quả.

 

Từ đó, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện một số thay đổi về quy trình cấp phép đầu tư. Theo đó, thay vìđể các địa phương xin ý kiến Bộ, ngành rồi trình Chính phủ chấp thuận chủ trương, thì nay đề nghị các địa phương gửi phương án để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến, tập hợp lại để trình Chính phủ.

 

"Cách làm này thì sẽ chắc hơn, tránh việc theo ý muốn chủ quan của địa phương", Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.