Loại bỏ 424 dự án thủy điện

Loại bỏ 424 dự án thủy điện

(ĐTCK) Về mức độ khả thi, thủy điện chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW, nhưng hiện có tới 1.239 dự án. Quy mô các nhà máy thủy điện tại Việt Nam chỉ ở mức nhỏ và siêu nhỏ!

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội sáng nay (30/10) đã có 424 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch.

Với hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện nước ta về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm. Nhưng về mức độ khả thi, thì chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW

Theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, trên cả nước có 1.239 dự án với tổng công suất lắp máy 26.012,8 MW và tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du 10,51 tỷ m3

Sau khi rà soát, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 117 Dự ÁN (617,65 MW) và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí tiềm năng thủy điện được sơ bộ xác định qua nghiên cứu quy hoạch (335 MW)

Từ tháng 4/2013 đến nay, Bộ Công thương tiếp tục yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án

Kết quả rà soát tính đến tháng 9/2013, loại khỏi quy hoạch 6 dự án bậc thang (395 MW) và 418 dự án nhỏ (1.174,49 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW).

Tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với MT-XH, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 dự án bậc thang (208 MW) và 132 dự án nhỏ (915,7 MW).

Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá gồm 149 dự án nhỏ (1.344,8 MW) và 9 Dự án bậc thang (551 MW).

Sau khi loại bỏ các Dự án nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 dự án có tổng công suất lắp máy 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Về Dự án Đồng Nai 6 và 6A, sau khi có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo loại hai dự án này khỏi qui hoạch (danh mục trong Phụ lục I kèm theo). đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội.

Trước đó, hai dự án này đã nhiều lần đưa vào quy hoạch và được dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường thuộc Quốc hội, báo cáo cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Ủy ban cũng cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

>> Việt Nam nặng tay với tham nhũng hơn các nước

>> Thi hành xong gần 500 nghìn án

>> Nghịch lý nuôi dưỡng nguồn thu và "tận thu"