Ngành công nghiệp ô tô là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Đức Thanh

Ngành công nghiệp ô tô là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Đức Thanh

Loay hoay với thuế ôtô

(ĐTCK-online) Ngành công nghiệp ôtô "non trẻ" của Việt Nam xem ra đang là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước khi tình hình tiêu thụ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đang "ấm dần" trở lại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh cho biết, chưa năm nào việc sản xuất, tiêu thụ ôtô lại khó khăn như năm 2006, do người tiêu dùng kỳ vọng vào chính sách nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng và việc thực hiện bình đẳng về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. "Năm 2006, ngân sách giảm thu từ sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trên 3.000 tỷ đồng, nhưng năm nay, tình hình tiêu thụ ôtô đã phục hồi trở lại", ông Ninh cho biết.

Theo số liệu của ngành thuế, tại Bình Dương, riêng Công ty Ôtô Ngôi sao trong 4 tháng đầu năm 2007 đã nộp ngân sách 176 tỷ đồng (gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2006) do đã tiêu thụ được 984 chiếc ôtô các loại, tăng hơn 282% so với lượng tiêu thụ ôtô 4 tháng đầu năm 2006. Sức tiêu thụ sản phẩm của Công ty Toyota 4 tháng đầu năm tăng 27,5%, là nhân tố chính đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc - một trong số "trung tâm công nghiệp ôtô của Việt Nam". Còn tại Hải Dương, với việc tiêu thụ được gần 2.100 xe trong 4 tháng đầu năm, nhãn hiệu xe ôtô Focus của Công ty Ford Vietnam đã đóng góp đáng kể trong tổng số 223,7 tỷ đồng của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài mà ngành thuế Hải Dương thu được trong 4 tháng đầu năm.

CTCP Ôtô Trường Hải - một trong những DN "nổi đình, nổi đám" trong "làng" DN sản xuất, lắp ráp ôtô có vốn đầu tư trong nước cũng đang trong thời kỳ ăn nên, làm ra nên đã quyết định phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 450 tỷ đồng lên 680 tỷ đồng ngay trong năm 2007 và dự kiến trả cổ tức 20%.

Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, đến nay, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã có 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có sự góp mặt của nhiều hãng ôtô nổi tiếng thế giới như Mazda, Mercedes, BMW, Toyota, Ford… với công suất sản xuất khoảng 148.000 xe ôtô các loại/năm. Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn có sự tham gia của gần 100 DN trong nước với tổng công suất lắp ráp 250.000 ôtô/năm. Hiện tại, tổng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam vào khoảng 700 triệu USD, trong đó 70% là vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, mặc dù sản lượng ôtô sản xuất ra tăng hàng năm, từ mức 5.000 chiếc vào năm 1990 lên 15.000 chiếc vào năm 2000 song đến nay, sản lượng sản xuất cũng mới chỉ đạt 50.000 chiếc/năm, trong đó 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 90% tổng lượng sản xuất và sản phẩm công nghiệp ôtô Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa vốn rất nhỏ bé và đang phải cạnh tranh bình đẳng về thuế TTĐB với xe ôtô nhập khẩu, đặc biệt là xe ôtô đã qua sử dụng.

Thực hiện cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày 1/1/2006, chính sách bảo hộ đối với ôtô sản xuất thông qua thuế TTĐB đã bị chấm dứt. Ôtô sản xuất trong nước phải chịu thuế TTĐB bình đẳng như ôtô nhập khẩu, cùng với việc cho phép nhập khẩu xe ôtô du lịch đã qua sử dụng khiến cơ quan thuế không khỏi lo lắng, bởi trong giai đoạn 2002 - 2006, các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đóng góp bình quân 14,79% tổng số thuế TTĐB. Thực tế cho thấy, năm 2006 - năm đầu tiên thực hiện bình đẳng thuế TTĐB giữa xe ôtô sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, ngành công nghiệp ôtô trong nước chỉ nộp thuế TTĐB 2.876 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng số thuế TTĐB, giảm mạnh so với năm 2005.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2010, Việt Nam sẽ thực hiện chiến lược đa dạng hoá chủng loại ôtô cho phù hợp với thị trường nội địa; đầu tư cho việc phát triển linh kiện, phụ tùng thay thế nhập khẩu… Một quan chức Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, việc điều hành phát triển ngành công nghiệp ôtô phải được thực hiện đồng bộ, từ cải thiện cơ sở hạ tầng, điều hành thị trường ôtô trong nước đến xây dựng cơ chế tài chính, chính sách thuế đồng bộ, đặc biệt là phải xây dựng được chính sách thuế TTĐB phù hợp nhất.

Hiện tại, thuế TTĐB đối với ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống là 50% - mức thuế khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng xem ra Bộ Tài chính vẫn chưa có ý định hạ thấp mức thuế này với lý do cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa tốt, giao thông đô thị còn hạn chế, thu nhập của người dân vẫn thuộc loại thấp nhất thế giới…

"Chúng tôi chưa biết làm thế nào để các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước yên tâm sản xuất. Nếu chính sách thuế không phù hợp, các cơ sở sản xuất ôtô trong nước không chỉ thu hẹp sản xuất, mà còn chuyển sang việc nhập khẩu ôtô. Điều này xảy ra sẽ có 2 hậu quả lớn là ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam không bao giờ thành hiện thực như mong muốn của Chính phủ cũng như các cấp, các ngành; thu ngân sách từ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giảm mạnh", ông Ninh phát biểu.