Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Lời hứa của Bộ trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khép lại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, như mọi lần, một trong những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân băn khoăn nhất là làm sao để những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành trên nghị trường đi vào cuộc sống.

Hôm nay (15/11), Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV dành ngày làm việc cuối cùng để làm ba nhiệm vụ chính:

Một là, thảo luận hội trường dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật này.

Hai là, biểu quyết thông qua Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Ba là, biểu quyết thông qua các Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021"; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã trao đổi với PV Báo Đầu tư Chứng khoán về kỳ vọng của mình đối với lời hứa mà các Tư lệnh ngành đã hứa trên nghị trường.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết: “Bộ trưởng phải có trách nhiệm với phần trả lời, với lời hứa của mình để thực hiện trước cử tri, tránh việc đặt vấn đề rồi buông xuôi để đấy, mà cần có hướng giải quyết, giám sát và theo dõi đến cùng”.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng hy vọng mỗi đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi chất vấn phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng về vấn đề đó.

Từ trái sang: Đại biểu Tạ Văn Hạ, Trần Kim Yến, Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Anh Trí

Từ trái sang: Đại biểu Tạ Văn Hạ, Trần Kim Yến, Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Anh Trí

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành tại kỳ họp lần này vì các vị này đã nắm chắc vấn đề, đi thẳng vào các nội dung đang được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.

Đặc biệt, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn đã chỉ rõ những nội dung mà bộ, ngành chưa làm được và đưa ra những lộ trình cụ thể trong thời gian tới.

“Thông qua phần trả lời chất vấn tại kỳ họp này, tôi thấy cả 4 tư lệnh ngành đều nắm chắc các vấn đề mình phụ trách. Trong đó, tôi đánh giá rất cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, bởi đây là lĩnh vực rất nóng thời gian qua. Tôi cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng sẽ khiến cử tri và đại biểu khá hài lòng", bà Kim Anh nói.

Từ đó, vị đại biểu cho biết, bà mong những lời hứa này sẽ đi vào thực chất, đảm bảo khả thi trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cũng đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp chiều 4/11. Cụ thể, bà cho rằng, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ ngay từ đầu kỳ họp đã rất đầy đủ, chi tiết; tuy nhiên việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn một số vấn đề nóng của các bộ ngành hiện nay đã tạo nên sự lan tỏa tích cực, rộng rãi tới cử tri cả nước.

Theo vị đại biểu, người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn đưa ra nhận định về những điểm được và chưa được, chỉ ra các giải pháp và nhấn mạnh thêm những công việc mà chính cá nhân Thủ tướng cũng như Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới.

“Tôi rất hài lòng với những gì mà Thủ tướng giải trình tại phiên họp. Thông qua các hoạt động như kiểm tra, khảo sát đánh giá, đại biểu Quốc hội sẽ có giám sát hoạt động của các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành có thực hiện theo đúng những cam kết đã hứa trước cử tri trong phiên họp Quốc hội hay không”.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng, điều mà các đại biểu, cũng như cử tri cả nước quan tâm nhất là làm sao để những giải pháp được các bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra tại kỳ họp này phải được thực thi quyết liệt.

“Nếu vẫn chỉ là lời hứa thì đó không phải điều đại biểu và người dân mong đợi. Chúng ta cần sự thẳng thắn, nhìn thẳng vào vấn đề, không thể mãi nhìn vào cáo cáo thành tích”, bà Yến nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói rằng, ông cơ bản hài lòng với phần trả lời của các tư lệnh ngành, nhất là một số bộ trưởng lần đầu “đăng đàn” nhưng đã nắm khá chắc vấn đề, đi thẳng vào câu hỏi chất vấn.Trong các phiên chất vấn, mặc dù đối diện với nhiều vấn đề "nóng" như lao động xã hội, thanh tra, phòng chống tham nhũng, vấn đề xây dựng..., song việc người hỏi không né tránh, không ngần ngại, người trả lời thẳng thắn, khách quan khi nhận trách nhiệm thuộc về bộ ngành mình, thậm chí là cá nhân mình, theo ông Trí là một trong những thành công lớn nhất của kỳ họp này.

Là đại biểu đầu tiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối ngoại, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự hài lòng với nội dung Thủ tướng Chính phủ đã trả lời. Tuy nhiên, cũng còn những nội dung tại kỳ họp mà ông Trí chưa thực sự hài lòng như xăng dầu. Vị đại biểu nói rằng, chúng ta phải tổ chức lại phân phối xăng dầu cho phù hợp với hoàn cảnh. Người nào cũng thấy xăng dầu trong một nền kinh tế quốc dân được ví giống như máu trong cơ thể, máu không đủ thì cơ thể không thể sống được. Việc này cần giải quyết ngay trong 1, 2 ngày.

"Trên nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời rất đúng, nhưng có một điều tôi rất thắc mắc là tại sao Bộ trưởng nghĩ đúng, trả lời đúng nhưng lại thực hành chưa đúng?”, ông Trí nói và hy vọng Bộ trưởng sẽ thực thi tốt hơn trong điều hành xăng dầu thời gian tới.

Tin bài liên quan