Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 của VNG (VNZ) “bốc hơi” 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi bị hạn chế giao dịch do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, CTCP VNG (mã VNZ - UPCoM) mới công bố Báo cáo với lợi nhuận giảm 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 của VNG (VNZ) “bốc hơi” 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán

Sau thời gian dài trì hoãn nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, cuối cùng Công ty VNG đã công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 với nhiều điểm đáng lưu ý và biến động mạnh so với báo cáo tự lập.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã chuyển từ lãi 59,79 tỷ đồng, xuống lỗ 193,6 tỷ đồng, tức giảm tới 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán.

Lợi nhuận VNG chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán bán niên năm 2023

Lợi nhuận VNG chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán bán niên năm 2023

Lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do lỗ công ty liên doanh, liên kết tăng lên 183,51 tỷ đồng từ mức chỉ lỗ 49,61 tỷ đồng lên số lỗ 233,12 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 69,88 tỷ đồng, từ 681,78 tỷ đồng lên 751,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lý giải việc chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, Công ty VNG cho biết, do ghi nhận thêm khoản chi phí liên quan đến các khoản dự phòng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.098,37 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 193,39 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,41 tỷ đồng.

Năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).

Tính tới 30/6/2023, Công ty VNG đã giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ 5.092,95 tỷ đồng, xuống 4.898,77 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Công ty VNG đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 416,32 tỷ đồng, lên 9.316 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.558,5 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.271,85 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.274,7 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.050,8 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, về cơ cấu nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 168,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 749,5 tỷ đồng, lên 1.193,5 tỷ đồng và bằng 12,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 615,6 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 577,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 20/10/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã Quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/10/2023 do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin. Trong đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu VNZ giảm 14.900 đồng, về 802.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan