Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm không nên bỏ qua trong năm 2022.

Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm không nên bỏ qua trong năm 2022.

Lợi nhuận đỡ giá cổ phiếu bank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận nhà băng dự báo tăng trong quý I/2022 và cả năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát, cầu vốn dần tăng trở lại.

Những khoản lãi khủng trong quý đầu năm

Lợi nhuận của các nhà băng tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm nay và ước tăng mạnh trong quý I/2022 do cầu vốn tăng. Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 1,82% so với cuối năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cả năm nay là 14%.

Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 16/3/2022, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý I/2022 của Ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24 - 25% so với cùng kỳ, tương đương 21% kế hoạch năm.

Đại hội cổ đông VIB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, với lợi nhuận trước thuế tới 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

VIB cho biết, trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo, Ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ đô và vốn hóa tăng gấp 5 lần, lên trên 14 tỷ USD.

Mới đây, tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư, Ban lãnh đạo MB cho biết, năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 25%. Tín dụng MB tính đến thời điểm hiện tại tăng khoảng 10% so với cuối năm 2021, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp.

Với mức tăng trưởng trên, theo ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Dù chi phí huy động vốn có xu hướng tăng nhưng Ban điều hành Ngân hàng sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tương đương năm 2021.

Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng. NIM khá ổn định ở mức 5,1%; CASA trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42 - 44%; ROE có thể đạt 26,3% - mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Kết quả kinh doanh tháng đầu năm của MSB cũng khá tích cực, với lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến lợi nhuận cả năm đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 30% so với năm ngoái. Tổng tài sản kế hoạch tăng thêm 15%, đạt 230.000 tỷ đồng; tín dụng kỳ vọng tăng 25%.

Ban lãnh đạo MSB tự tin đạt được mục tiêu tham vọng này với chiến lược đẩy mạnh hơn nữa các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ để giúp Ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút CASA, giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động. Ngoài ra, thương vụ bán 100% cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng.

Dragon Capital cho rằng, 2022 là giai đoạn hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề nợ xấu đang là rào cản đối với nhóm cổ phiếu "vua", nhưng theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital, điều này đúng với giai đoạn nửa cuối năm 2021, hiệu quả đầu tư ngành ngân hàng là rất thấp, dẫn đến lợi nhuận quý III/2021 thấp hơn quý II kéo theo giá cổ phiếu tăng chậm, thậm chí đi lùi. Tuy nhiên, chu kỳ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng xảy ra khi tăng trưởng tín dụng vượt 15%, tốc độ tăng trưởng trung bình ngành trên 30%.

Cổ phiếu “vua” còn rẻ

Cùng với lợi nhuận tích cực, còn có nhiều thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu “dòng bank” như kế hoạch bán vốn chiến lược, thậm chí một số ngân hàng có ý định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm.

Trong khi đó, theo dự báo của Dragon Capital, năm 2022, ngành này có lợi nhuận tăng trưởng khoảng 25-30%, P/B khoảng 1,7 lần (thấp hơn mức 1,9 lần trong năm 2019), P/E toàn ngành quanh 9,4 lần (thấp hơn nhiều mức 12 lần trong năm 2020), đồng nghĩa với việc cổ phiếu ngành này vẫn còn cơ hội tăng giá.

Một nhà phân tích tài chính cho rằng, định giá ngành ngân hàng Việt Nam hiện tại theo P/B (2,2 lần) dù cao hơn so với trung bình các nước trong khu vực (1,4 lần) nhưng vẫn thấp hơn so với VN-Index và có ROE (21,3%) cao vượt trội so với các nước trong khu vực (12,8%). Tuy nhiên, dòng tiền có thể có sự phân hóa. Các ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao, chất lượng tài sản tốt hoặc có các câu chuyện riêng về tăng vốn, ký kết bảo hiểm độc quyền… mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tương tự, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vừa có báo cáo đánh giá về triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam, với nhận định giá cổ phiếu ngân hàng còn rất rẻ so với khu vực khi xét về hiệu quả kinh doanh. Định chế tài chính hàng đầu này đã gọi tên 6 ngân hàng tiềm năng và nổi bật nhất trong ngành, gồm Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB và VIB.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Credit Suisse đưa VIB vào danh sách đánh giá sau giai đoạn ngân hàng này tăng trưởng mạnh mẽ, nổi bật trong toàn ngành về hiệu quả kinh doanh. Tại báo cáo lần này, Credit Suisse đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu VIB ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 60%.

Cơ sở chính cho nhận định tích cực trên là chiến lược ngân hàng bán lẻ đầy hiệu quả của VIB (đặc biệt là cho vay thế chấp và ô tô). Theo đó, chiến lược này giúp Ngân hàng có được tỷ lệ NIM ở mức cao, thu nhập phí tăng mạnh và ROE đạt 27 - 30% liên tiếp trong ba năm qua.

“Chúng tôi tin rằng VIB thành công nhất trong chiến lược tăng tỷ trọng cho vay thế chấp và cho vay ô tô tại Việt Nam. ROE duy trì ở mức 27 - 30% trong ba năm tới”, báo cáo Credit Suisse viết.

Nửa đầu năm 2022, nợ xấu theo quan điểm chung của nhiều nhà đầu tư là trong xu hướng tăng, đó chính là nguyên nhân tại sao giá cổ phiếu không thể bứt phá. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều đó không hoàn toàn đúng với thực tế. Tỷ lệ nợ xấu bao phủ của Việt Nam đã tăng rất mạnh, năm 2017 tỷ lệ này là 75% thì đến năm 2021 đã tăng lên 130%, xếp thứ 3 toàn khu vực.

Các nhà băng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu, nên rất thận trọng trong cho vay, 100 đồng tài sản chỉ có thể vay được 58 đồng. Điều này cho thấy chất lượng tài sản thế chấp đã tăng lên rất nhiều, trong đó phần lớn là bất động sản. Thị trường bất động sản vẫn đang ổn định, giá bất động sản thậm chí đang tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó, nợ xấu khó tăng.

Vì vậy, ngân hàng vẫn được các chuyên gia phân tích đánh giá là một trong các nhóm ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022. Song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Bởi trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế hơn.

Tin bài liên quan