Luật Công nghiệp công nghệ số cần khung pháp lý cho sandbox và tài sản số

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều điểm mới.
Luật Công nghiệp công nghệ số cần khung pháp lý cho sandbox và tài sản số

Cần thiết phải có Luật Công nghiệp công nghệ số

Tại Hội thảo về Luật Viễn thông sửa đổi và đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp CNTT và truyền thông ước đạt 136 tỷ USD, gấp 22 lần so với năm 2009.

Cả nước có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 bình quân cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

Đại diện Vụ CNTT cho rằng, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là phù hợp sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT, hình thành công nghiệp công nghệ số khi xu thế hội tụ giữa các lĩnh vực CNTT, viễn thông và truyền thông hình thành nên ngành công nghiệp CNTT và truyền thông, đồng thời tạo ra các hoạt động sáng tạo, đổi mới, tạo ra giá trị mới và thị trường mới.

Được biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được đề xuất gồm 2 nhóm chính sách.

Nhóm chính sách thứ nhất gồm hoạt động công nghiệp, công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ công nghệ số; thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ công nghệ số (sandbox), quản lý sản phẩm trí tuệ nhân tạo, quản lý sản phẩm và dịch vụ công nghệ số trọng yếu.

Nhóm chính sách thứ hai gồm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số; sản phẩm công nghệ số trong nước (Make in Viet Nam); dữ liệu số; trung tâm tính toán hiệu năng cao; kinh doanh xuyên biên giới…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, công nghệ số đã đi vào cuộc sống, nên việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số cần có hành lang phát triển. Luật sẽ giúp thúc đẩy công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm Make in Vietnam để sánh tầm khu vực. Để làm được sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam, cần phải có dữ liệu và dữ liệu phải mang tính hợp pháp. Việc có quy định sandbox cũng là để thúc đẩy phát triển ngành, thúc đẩy Make in Việt Nam.

Tâm điểm sandbox

Được biết, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã báo cáo lên Chính phủ và được trình Quốc hội để đưa vào kế hoạch năm 2023. Trong đó, vấn đề tài sản số, sandbox nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Góp ý cho Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số, như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội… Tài sản số, dù cũng là tài sản theo pháp luật dân sự, lại có một số đặc điểm khác biệt so với các loại tài sản truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định về các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các giao dịch, chuyển quyền, nghĩa vụ của các loại tài sản này.

“Để thúc đẩy các ngành công nghệ số, tạo lập khung khổ cho ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về những nguyên tắc cơ bản áp dụng với tài sản số (quyền, nghĩa vụ của các bên, trong đó có công ty công nghệ; nguyên tắc bảo vệ; nguyên tắc giám định số; nguyên tắc ủy thác…)”, VCCI đề nghị.

Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, năm 2021, thế giới chọn NFT (tài sản không thể thay thế, một bộ phận của tài sản số) là từ khóa của năm, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa thừa nhận và chưa có quy định về tài sản số.

“Hội Truyền thông số Việt Nam đã khuyến nghị, trong Luật Công nghiệp công nghệ số cần ưu tiên giải quyết 2 bài toán, gồm cơ chế sandbox và tài sản số. Về sandbox, phải đưa vào Luật nội dung về cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát để trên cơ sở đó, từng ngành sẽ có quy định riêng. Luật cần đưa ra định nghĩa, khung pháp lý thử nghiệm cơ bản để có thể chấp nhận tài sản số, từ đó mới có thể bảo vệ được nó”, ông Đồng nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết thêm, Dự thảo sẽ có định nghĩa về tài sản số, tài sản ảo.

"Chúng ta coi dữ liệu là tài nguyên, nhưng tài nguyên đó nằm trong tay ai? Cần quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế. Đó là những vấn đề được đưa vào Dự thảo luật này...", ông Tuyên cho hay.

Ngành CNTT và tương lai là ngành công nghệ số sẽ là một trong các động lực phát triển kinh tế quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp về ưu đãi, hỗ trợ sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy ngành này phát triển.

Tin bài liên quan