Luật Phá sản sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp được “chết”

Luật Phá sản sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp được “chết”

(ĐTCK) Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Luật ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và có một số điểm thay đổi so với dự thảo ban đầu.

Đầu tiên, quy định mất khả thanh toán đã được chỉnh lý, làm rõ thêm: DN mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Về thẩm quyền giải quyết của tòa án, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ các trường hợp Tòa cấp tỉnh có quyền lấy các vụ ở cấp huyện lên giải quyết. Có ý kiến cho rằng, chưa nên quy định về tòa sơ thẩm khu vực do Luật tổ chức Tòa án nhân dân đang được sửa đổi, chưa thông qua nên tổ chức Tòa án chưa được xác định rõ. Luật ban hành đã tiếp thu ý kiến này. 

Như vậy, về cơ bản, khi yêu cầu thanh toán nợ đến hạn mà DN không thanh toán trong thời hạn 3 tháng, chủ nợ có quyền đệ đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Việc giải quyết đơn ở cả 2 cấp tòa án tỉnh và huyện thay vì một cấp tòa tỉnh như hiện tại.

Tòa cấp tỉnh giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, DN có chi nhánh, bất động sản ở nhiều địa bàn khác nhau thuộc tỉnh và những vụ phức tạp tòa cấp tỉnh chủ động lấy lên để giải quyết. Các vụ còn lại giải quyết ở cấp huyện.

Sau khi nhận đơn hợp lệ và nhận biên lai nộp đầy đủ tạm ứng lệ phí phá sản, chi phí phá sản, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý đơn.

Quá trình giải quyết phá sản, tài sản của DN sẽ do quản tài viên quản lý hoặc được chỉ định quản lý. DN hành nghề quản lý, thanh lý tài sản này chỉ có 2 loại hình là DN tư nhân hoặc DN hợp danh. Đây là loại hình DN chịu trách nhiệm vô hạn trong khi các loại hình DN khác chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ khác trong phạm vi vốn góp.

Quá trình thực hiện Luật Phá sản cũ đã bộc lộ hàng loạt những quy định bất khả thi dẫn đến tình trạng không thể giải quyết được các vụ phá sản, trong gần 9 năm thực thi, có chưa tới 100 DN bị tuyên bố phá sản. Luật sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt để xử lý hậu quả trong trường hợp DN thua lỗ, mất khả năng thanh toán.

Nếu như luật hiện hành được thiết kế theo quy trình ngược, xử lý tài sản xong mới mở thủ tục phá sản thì giờ đây, Luật sửa đổi cho phép mở thủ tục phá sản, sau đó giải quyết vấn đề tài sản, cân nhắc có thể phục hồi hay phải tuyên bố phá sản.

Dù vậy, để Luật mới thực thi hiệu quả, các văn bản hướng dẫn cần sớm được ban hành. Những nút thắt của Luật cũ chắc chắn sẽ vẫn còn đặt ra yêu cầu giải quyết ở các văn bản dưới luật.

Đơn cử như vấn đề cán cân tài sản nợ, có. Thực tiễn giải quyết các vụ việc phá sản cho thấy, nhiều trường hợp DN gặp khó khăn nhưng vẫn còn tài sản lớn hơn so với khoản nợ và vì nhiều lý do chưa thể thanh toán ngay. Ứng xử ra sao với trường hợp này? Việc thông báo mở thủ tục phá sản có thể sẽ khiến DN ”chết” hẳn bởi khi đó, kể cả nợ chưa đến hạn, chủ nợ cũng yêu cầu phải trả ngay.

Hoặc là vấn đề nợ ”dây chuyền”, không ít DN là con nợ của tổ chức, cá nhân này nhưng lại là chủ nợ của DN khác. Nếu một DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản vì có nợ đến hạn không thanh toán được trong thời hạn 3 tháng thì liệu DN đó có thể đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với DN khác, là con nợ của họ để lấy nguồn trả nợ? Theo Luật thì DN có quyền. Và như vậy có thể dắt dây hàng loạt các đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Với yếu tố nước ngoài, Luật cũ không có một điều nào quy định trường hợp phá sản có yếu tố nước ngoài. Luật mới đã bổ sung thêm hẳn một chương có 3 điều cho trường hợp này: quy định người tham gia phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam; quy định ủy thác tư pháp; quy định công nhận và thi hành phá sản của Tòa án nước ngoài.

Nhìn từ các vụ phá sản trong quá khứ, nhiều khúc mắc đã được đề cập đến, ví dụ trường hợp chủ đầu tư nước ngoài đã phá sản, tìm không thấy. Hoặc như tổng giám đốc là người nước ngoài đã về nước, muốn yêu cầu sang để giải quyết phá sản thì họ đòi trả lương hàng chục nghìn USD/tháng. Hay chủ nợ/con nợ là người nước ngoài, tống đạt theo địa chỉ không đúng, đã thay đổi, ủy thác thì không có kết quả...

Giải quyết phá sản đòi hỏi phải có thủ tục tố tụng riêng, nó không phải là tố tụng dân sự, hành chính hay hình sự. Thế nhưng Luật sửa đổi chưa làm rõ một số vấn đề về tố tụng. Chẳng hạn như tống đạt, triệu tập 2 lần mà không đến thì coi như mất quyền đòi nợ (đối với chủ nợ)?

Rõ ràng, còn một số vấn đề mà văn bản hướng dẫn dưới luật sẽ phải làm rõ thêm để thẩm phán có căn cứ giải quyết các vụ phá sản.

Tin bài liên quan