Luật Quy hoạch (sửa đổi): Tập trung sửa 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay

0:00 / 0:00
0:00
Tập trung vào sửa đổi 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay, dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, để quy hoạch thực sự là công cụ quản lý, phát triển.
Luật Quy hoạch (sửa đổi): Tập trung sửa 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay

Sửa luật để phù hợp với thực tiễn sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Sáng nay (28/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Tại lần sửa đổi, bổ sung này, dự thảo Luật tập trung vào 3 vấn đề cấp thiết cần xử lý ngay trong thời gian tới.

Một là, bổ sung quy định chuyển tiếp về điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực. Theo đó, tất các các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Ba là, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn có thể xử lý được ngay.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát tất cả các vướng mắc trong hoạt động quy hoạch, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch được điều chỉnh sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp để có đủ cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, giải quyết triệt để các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quản lý, công cụ phát triển.

Quy hoạch mâu thuẫn nhau: Sẽ có quy định chi tiết để xử lý cho từng trường hợp

Cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch (sửa đổi) trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp phê duyệt.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo quy định, trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có cùng cấp phê duyệt: Đối với quy hoạch do các cơ quan tổ chức lập khác nhau, cấp có thẩm quyền cao hơn sẽ quyết định quy hoạch phải điều chỉnh. Đối với quy hoạch do cùng một cơ quan tổ chức lập thì cơ quan đó sẽ quyết định quy hoạch phải điều chỉnh. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này tại Nghị định.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu quy định chi tiết phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp quy hoạch có mâu thuẫn với nhau để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật cũng đã có những nguyên tắc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Theo đó, dự thảo quy định, trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với nhau thì Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch ngành quốc gia phải điều chỉnh. Khi quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn và quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp thì điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn và không phải xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch.

Trường hợp quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mâu thuẫn với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc mâu thuẫn với nhau, việc quyết định điều chỉnh quy hoạch sẽ thuộc cấp có thẩm quyền cao hơn hoặc cơ quan tổ chức lập quy hoạch đối với quy hoạch cùng quan tổ chức lập và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Mạnh tay phân cấp quy hoạch cho địa phương

Dự thảo Luật Quy hoạch lần này cũng mạnh mẽ, triệt để phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động quy hoạch bảo đảm thực hiện chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Cụ thể, chuyển danh mục dự kiến dự án quan trọng quốc gia, dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch và phân cấp cho Ủy ban nhân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh; việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp Hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản.

Bổ sung quy định về Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định để tạo cơ chế cho Chủ tịch Hội đồng thẩm định ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp thẩm định để tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong quá trình thẩm định.

Đồng thời, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua khi điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Đối với lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch tỉnh trong trường hợp điều chỉnh thông thường nhiệm vụ lập quy hoạch hay nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch là căn cứ để thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Do đó, Luật Quy hoạch đã quy định Bộ Tài chính là cơ quan tổ chức thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm thống nhất với quy định về thẩm quyền thẩm định quy hoạch là Bộ Tài chính và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng chuyển thẩm quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia từ Chính phủ sang Quốc hội. Một số đại biểu băn khoăn về quy định này và đề nghị vẫn phải để Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Bộ Tài chính cho rằng, trình tự, thủ tục trình Quốc hội quyết định quy hoạch gồm nhiều bước và phải trình theo Kỳ họp của Quốc hội (một năm 2 kỳ hoặc thông qua Kỳ họp bất thường), khó có thể bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sử dụng đất.

Hơn nữa, Quốc hội vẫn bảo đảm quyền quyết định với các vấn đề quan trọng của đất nước như sử dụng đất hay biển đảo thông qua việc quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia với các nội dung chính gồm: Định hướng phát triển không gian biển, định hướng sử dụng đất quốc gia.

Đánh giá sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch: Chỉ quy định khung để tạo linh hoạt trong triển khai dự án

Để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện quy hoạch, khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng.

Quy định cụ thể nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tại Nghị định để tạo sự linh hoạt trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính ổn định của văn bản luật.

Đồng thời, chuyển danh mục dự kiến dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch. Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Dự thảo Luật với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, do việc đánh giá sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch được quy định cả ở pháp luật chuyên ngành khác, để làm rõ hơn phạm vi, nội dung đánh giá sự phù hợp của dự án với các loại quy hoạch và xử lý triệt để các vướng mắc liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật khác có quy định liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Đất đai.

Tin bài liên quan