Tình trạng treo lệnh thường xảy ra khi thanh khoản của sàn HOSE chạm ngưỡng 14.000 tỷ đồng trong phiên. Ảnh: Dũng Minh.

Tình trạng treo lệnh thường xảy ra khi thanh khoản của sàn HOSE chạm ngưỡng 14.000 tỷ đồng trong phiên. Ảnh: Dũng Minh.

Lực cản từ sự yếu kém của hệ thống công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp ồ ạt lên sàn, chuyển sàn, nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản giao dịch nhưng hệ thống của HOSE lại chưa có sự thay đổi, thích ứng.

Treo cứng lệnh khi thanh khoản trên 14.000 tỷ đồng

Nhà đầu tư cho biết, trong các ngày 17/12, 22/12, 23/12 và 24/12, họ đều gặp phải tình trạng lệnh đặt nhưng bị treo, không được đẩy vào hệ thống. Cuối phiên, họ nhận được email “Thông báo trạng thái lệnh trong phiên giao dịch” của công ty chứng khoán.

Chẳng hạn, SSI thông báo tới các nhà đầu tư mở tài khoản tại đây: "Trong phiên giao dịch chiều ngày 23 - 24/12/2020, do hoạt động giao dịch tăng mạnh nên thông tin khớp lệnh từ Sở trả về tiếp tục có hiện tượng chậm. Do vậy, các lệnh đặt trên sàn HOSE của khách hàng (nếu có) trong khoảng thời gian này có thể không được cập nhật đúng trạng thái lệnh hoặc đã được gửi vào sàn nhưng SSI chưa nhận được xác nhận từ Sở".

Phiên sáng 24/12, nhiều nhà đầu tư đã cảm thấy bất an, khi khi thanh khoản đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tiến gần đến ngưỡng 14.000 tỷ đồng – giá trị giao dịch thị trường những phiên ghi nhận hiện tượng lệnh mua, bán không thể khớp, thanh khoản nhỏ giọt trong suốt phiên khớp lệnh giá đóng cửa ATC.

Ngay trong phiên, một số công ty chứng khoán như HSC, FPTS đã có thông báo: dịch vụ giao dịch trực tuyến gián đoạn, tạm dừng sửa/hủy lệnh trên HOSE từ 10h40’ tới 11h30’.

Chỉ sau ít phút giao dịch đầu phiên chiều, thanh khoản nhanh chóng vọt lên hơn 13.000 tỷ đồng và hiện tượng nghẽn lệnh đã lặp lại.

Ở một công ty chứng khoán trong Top 10 thị phần HOSE, lãnh đạo Công ty cho biết, trong 2 phiên giao dịch ngày 23/12 và 24/12, mỗi phiên không dưới 5.000 lệnh không được đẩy vào hệ thống. Phiên ngày 24/12, tình trạng ùn ứ ở công ty này diễn ra từ 13h08.

Còn tại một công ty chứng khoán lớn khác, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, liên tục những ngày cuối tuần phải xử lý khiếu nại, phàn nàn của khách hàng về việc lệnh đặt qua công ty chứng khoán không được xử lý. Thậm chí, ở một số trường hợp, Công ty đã phải khắc phục thiệt hại cho khách hàng để giữ chữ tín.

Trong phiên ngày 23-24/12, một số nhà đầu tư rất bức xúc khi phát hiện lệnh của nhiều công ty chứng khoán lớn bị chặn lại, tuy nhiên lệnh của công ty chứng khoán nhỏ lại lọt qua cửa HOSE.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, có phải công ty chứng khoán lớn bị chặn lệnh để “chữa cháy” tình trạng xập xệ hệ thống giao dịch của HOSE? Vấn đề đặt ra là tình trạng này đã lặp lại nhiều lần nhưng HOSE không nhìn nhận thực tế để có giải pháp khắc phục, đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường, mà vẫn cho rằng hệ thống không bị lỗi.

Có công ty chứng khoán cực chẳng đã đề nghị cho phép cử đại diện sàn vào HOSE ngồi nhập lệnh thủ công để hỗ trợ khách hàng không bị tắc lệnh. Tuy nhiên, HOSE vẫn cho rằng hệ thống không có lỗi và không chấp nhận đề nghị trên!

Cần được thông tin

Liệu hệ thống của HOSE có bị lỗi trong các phiên vừa qua?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE khẳng định: “Những phiên giao dịch gần đây không phát sinh lỗi trong tiến trình khớp lệnh dẫn tới sai sót trong việc khớp lệnh giữa hệ thống của Sở với các công ty chứng khoán”.

Nhưng ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE khi trao đổi với báo giới lại thừa nhận, có hiện tượng nhiều lệnh chưa vào được hệ thống của HOSE, do đó, hệ thống chưa ghi nhận và xử lý được. Đó là lý do các công ty chứng khoán và tiếp đó là các nhà đầu tư không nhận được thông tin xác nhận.

Nghẽn lệnh truyền từ các công ty chứng khoán vào hệ thống của HOSE, theo ông Trung, là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh. Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Nhà đầu tư e ngại về việc 10 năm nay hệ thống giao dịch của HOSE có sao vẫn dùng vậy dù thị trường đã biến đổi rất nhiều.

Lý do này, tuy vậy không khiến các thành viên thị trường “tâm phục, khẩu phục”. Thứ nhất, tình trạng đơ hệ thống của HOSE đã diễn ra 2 lần trong năm 2019. Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, năm 2019, lãnh đạo HOSE đã triệu tập một cuộc họp với các công ty chứng khoán liên quan đến câu chuyện này. Tại cuộc họp, một số công ty chứng khoán sử dụng robot đặt lệnh đã được khuyến cáo không sử dụng để tránh ảnh hưởng đến thị trường.

Thứ hai, làn sóng nhà đầu tư F0 và những dự báo về việc giao dịch thị trường sẽ bùng nổ đã xuất hiện từ tháng 3, tháng 4. Thực tế này đòi hỏi phải có dự liệu, có phương án dự phòng hệ thống.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại về việc 10 năm nay hệ thống giao dịch của HOSE “có sao vẫn dùng vậy” dù thị trường đã biến đổi rất nhiều. “Gói thầu 04 về đầu tư công nghệ cho HOSE không hiểu sao nhiều năm qua vẫn đứng yên tại chỗ?”, nhà đầu tư đặt vấn đề.

Ứng xử với thị trường

Cho đến chiều muộn ngày 24/12, lãnh đạo một công ty chứng khoán vẫn phải trực giải quyết những hậu quả do việc nhà đầu tư lớn của Công ty không đặt được lệnh trong phiên chiều.

Ông cho hay, nhiều nhà đầu tư không cover được trạng thái tài khoản như kế hoạch. Chẳng hạn, họ bán phiên sáng, có kế hoạch mua lại hàng vào phiên chiều nhưng không thể đặt lệnh hoặc ngược lại.

Nếu như thông thường, nhà đầu tư đạt được trạng thái cân bằng về tiền và chứng khoán vào cuối phiên, thì nay hoặc họ thiếu tiền trong tài khoản, hoặc thiếu chứng khoán.

Với nhiều nhà đầu tư, đây có thể là những cú sốc lớn trong kế hoạch đầu tư, còn với công ty chứng khoán, họ lo lắng vì có thể rơi vào tình trạng cho nhà đầu tư mua chứng khoán khi chưa đủ tiền trong tài khoản, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Cũng có những e ngại về việc, nhà đầu tư nước ngoài thường có thói quen giao dịch vào các phiên buổi chiều, đặc biệt đặt giá hợp lý vào phiên ATC chiều. Nay không giao dịch được, sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư.

Thực tế, sự cố trên các thị trường không phải là không có, ở các thị trường quốc tế cũng từng xảy ra tình trạng tương tự. Nhưng nhiều thành viên thị trường cho rằng, cách ứng xử mới là quan trọng.

Sự cố liên tục lặp lại nhưng nhà đầu tư không được giải thích để hiểu và thông cảm. Thiếu thông tin đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư, trong khi đây là yếu tố tác động lớn đến giao dịch. Hỏi rằng Công ty có giải pháp gì để hỗ trợ khách hàng, vị tổng giám đốc công ty chứng khoán trên lắc đầu nói: “Các công ty chứng khoán chỉ biết cầu cho hệ thống HOSE suôn sẻ”.

Câu hỏi đặt ra là, so với các thị trường chứng khoán khu vực, có phải nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã quá lớn và giao dịch đã vượt quá sự mong đợi?

Thống kê gần nhất được đưa ra là hiện có gần 2,7 triệu tài khoản được mở, trong đó chưa tới 10% tài khoản hoạt động. Tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán/dân số còn quá thấp so với các nước trong khu vực (2% so với 10 - 20%).

Sự phát triển và lớn mạnh của thị trường trong năm 2020 lẽ ra phải là điểm sáng và cần tiếp tục có những giải pháp để thu hút, tạo ra sự lan tỏa, phát triển bền vững, thì những hạn chế về công nghệ đang diễn ra lại khiến các thành viên tâm huyết thực sự lo lắng cho tương lai của thị trường và các nhà đầu tư.

Nhanh chóng có giải pháp để khắc phục tình trạng này là thông tin nhà đầu tư mong ngóng và có quyền được đòi hỏi.

Tin bài liên quan