Dự án Đình Trám – Sen Hồ chậm tiến độ, chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhưng đã được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: Nhất Nam

Dự án Đình Trám – Sen Hồ chậm tiến độ, chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhưng đã được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh: Nhất Nam

Lùm xùm tại đô thị Đình Trám - Sen Hồ: Cần làm rõ năng lực chủ đầu tư

(ĐTCK) Chậm tiến độ hàng năm trời, huy động vốn của khách hàng khi 
chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng... Cơ quan quản lý cần làm rõ năng lực của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (Công ty Lam Sơn), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ (Bắc Giang) sau những lùm xùm này.

Trong số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về tình trạng Dự án Đình Trám - Sen Hồ (Bắc Giang) do Công ty Lam Sơn làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ hàng năm trời, chưa xây dựng xong hạ tầng, nhưng chủ đầu tư đã huy động vốn của khách hàng và đang được rao bán rầm rộ trên mạng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, tại Quyết định 211/QĐ-UBND ngày 26/2/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc chấp thuận đầu tư Dự án Khu B thuộc Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ cho chủ đầu tư là Công ty Lam Sơn nêu rõ, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm các hạng mục như: San nền, giao thông, cấp nước, thoát nước mưa, nước thải, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, cây xanh, công viên, hồ nước. Thời gian thực hiện dự án 5 năm, từ tháng 3/2013 đến hết tháng 3/2018.

Tiến độ cụ thể như sau, tháng 2/2013, thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án. Từ tháng 3/2013 đến 12/2014, hoàn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập và phê duyệt dự án, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực đầu tư xây dựng Khu đô thị mới, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình.

Từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di chuyển đường điện cao thế; hoàn thành công tác san nền trên toàn bộ dự án; đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải; hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên 80 ha đất. Từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018, hoàn thành việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án là 1.283,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của Công ty Lam Sơn chiếm 20%, vốn vay ngân hàng thương mại và huy động hợp pháp khác 80%.

Theo Quyết định 211, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng và các chủ đầu tư cấp 2 đối với phần đất chủ đầu tư được phép kinh doanh, chuyển nhượng, về nguyên tắc, chỉ được thực hiện khi sau khi chủ đầu tư hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật toàn bộ dự án và đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Về xử lý trong các trường hợp chậm tiến độ, Quyết định 211 nêu: “Nếu trường hợp chậm tiến độ mà nguyên nhân từ phía chủ đầu tư, thì chi phí đầu tư trên phần diện tích chậm tiến độ đó không được điều chỉnh. Trường hợp sau khi bàn giao đất thực tế từng phần hoặc toàn bộ diện tích đất, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức thu tiền thuê đất theo đơn giá thuê đất hàng năm do UBND tỉnh quy định đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, hiện dự án này đang bị chậm tiến độ hàng năm trời do gặp vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Theo phản ánh của một số hộ dân có quyền lợi và lợi ích hợp pháp liên quan đến dự án, họ không đồng ý với phương án bồi thường, nên đã làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, thực chất đây là dự án kinh doanh bất động sản, nhưng địa phương đang làm thay doanh nghiệp trong việc thu hồi đất và giao trực tiếp cho nhà đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng. Địa phương chỉ thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi bán những lô đất trong khu đô thị.

“Về quy định, những dự án như vậy vẫn phải đấu thầu công khai để tìm nhà đầu tư”, luật sư Trần Tuấn Anh nói và cho biết, khi dự án chưa hoàn thiện hạ tầng và còn dính khiếu kiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, mà chủ đầu tư đã giới thiệu ra thị trường thì gây nhiều rủi ro cho khách hàng. Bởi nếu dự án làm sai hoặc bị dừng triển khai, thì những người mua đất theo hình thức hợp đồng góp vốn sẽ rất khó đòi lại được tiền.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan