Lượng hóa tác động tỷ giá đến thị trường chứng khoán, những nhóm ngành cổ phiếu "vào tầm ngắm"

Lượng hóa tác động tỷ giá đến thị trường chứng khoán, những nhóm ngành cổ phiếu "vào tầm ngắm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND đã tăng dựng đứng trong một thời gian rất ngắn và hiện đang đứng ở mức 24.503. Giới chuyên gia phân tích cho rằng, áp lực tỷ giá cũng như lạm phát đang ít nhiều tác động đến diễn biến của TTCK. 

Áp lực tỷ giá

Tỷ giá USD/VND đang gặp phải áp lực tăng tương đối mạnh trong thời gian vừa qua. Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco), một trong những nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND – USD đang nới rộng khi chính sách tiền tệ ở Việt Nam và Mỹ trái chiều nhau.

"Mặc dù vậy, tôi nhận định áp lực tỷ giá vẫn đang trong tầm kiểm soát và không nghiêm trọng như giai đoạn cuối năm 2022", ông Khoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ đầu năm tiếp tục tăng và hiện đạt gần 100 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu, là mức an toàn theo tiêu chuẩn của IMF (12-14 tuần). Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang có thặng dư thương mại tốt (xuất siêu gần 22 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm), FDI và kiều hối ổn định có thể giúp đảm bảo nguồn cung USD, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có những động thái phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Về lạm phát, CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ và tính chung 9 tháng đầu năm tăng 3,16%, vẫn đang nằm trong mục tiêu dưới 4,5% của Chính phủ. Tuy nhiên, CPI đang có xu hướng tăng nhanh trong các tháng gần đây do áp lực từ sự tăng giá của một số loại hàng hóa như giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu.

"Tôi cho rằng lạm phát ở thời điểm hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát và chưa có nhiều áp lực tới chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cần phải lưu ý giai đoạn cuối năm nhu cầu và giá cả của một số loại hàng hóa trong nước thường có xu hướng tăng cao, cùng với đó là việc giá dầu thế giới tăng cũng sẽ tạo áp lực lên lạm phát ở trong nước", ông Khoa nói.

Ngoài vấn đề tỷ giá và lạm phát, ông Khoa cho rằng, những thách thức đối với thị trường hiện tại có thể đến từ các yếu tố trên thị trường quốc tế. Tình hình vĩ mô thế giới đang diễn biến khá phức tạp, FED duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước hay mới đây nhất là cuộc xung đột giữa Isarel và Hamas, an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu bị đe dọa, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và TTCK nói riêng.

Trong khi đó, theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), tỷ giá và lạm phát là hai nhân tố chính gây cản trở đến xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại, qua đó tác động tiêu cực lên tâm lý của thị trường chung.

"Đối với các tháng cuối năm, chúng tôi không cho rằng áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt mà vẫn sẽ duy trì như hiện tại, theo đó mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang hoặc chỉ giảm nhẹ trong điều kiện tích cực. Do đó, TTCK sẽ phản ánh một cách trung lập hơn với yếu tố này và kỳ vọng tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ sự hồi phục của kinh tế vĩ mô phản ánh qua tăng trưởng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết", KBSV nhận định.

Nhìn vấn đề tỷ giá hiện nay, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc kinh doanh CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, đây là áp lực khá lớn tới thị trường. Khi tỷ giá tăng mạnh, nhà đầu tư ngoại sẽ e dè hơn trong chiến lược đầu tư, kèm theo lãi suất Việt Nam ở ngưỡng thấp làm cho động thái rút ròng của khối ngoại càng mạnh. Để tránh áp lực về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái hút tiền, điều này gây áp lực lớn đến thị trường chứng khoán. Giai đoạn giảm vừa rồi cũng đã thể hiện phần nào diễn biến này.

Trong khi đó, lạm phát cao thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán vì khiến cho chi phí vay, chí phí đầu vào (nguyên vật liệu, lao động) tăng theo, và giảm mức sống của người dân. Điều quan trọng nhất là lạm phát sẽ khiến cho tăng trưởng thu nhập kỳ vọng giảm xuống, gây áp lực cho giá cổ phiếu. Nhưng yếu tố này hiện chưa tác động mạnh đến thị trường chứng khoán bởi mức độ tăng lạm phát ở nước ta vẫn chưa cao.

“Ngoài tỷ giá, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố lạm phát, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để theo dõi mức độ hút tiền có gia tăng mạnh không, động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED… vì đây là những yếu tố sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán”, ông Quang cho biết.

Pha điều chỉnh mạnh là cơ hội, điểm tên những nhóm cổ phiếu triển vọng

Đánh giá về cơ hội trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Việt Quang cho rằng, nhịp điều chỉnh vừa qua khiến cho mặt bằng cổ phiếu hấp dẫn hơn, trong đó phải kể đến nhóm ngành luôn đồng hành với thị trường là chứng khoán. Ngoài ra, những cổ phiếu liên quan đến đầu tư công cũng đáng được chú ý khi mục tiêu của Chính phủ vẫn là đẩy mạnh đầu tư công.

"Chúng ta cũng cần chú ý các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tốt, trong khi giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh do ảnh hưởng của thị trường chung và đã về vùng hỗ trợ mạnh - đây cũng là những cổ phiếu khi thị trường thuận lợi sẽ đem lại mức lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư", ông Quang nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, theo KBSV, nhịp điều chỉnh mạnh hiện tại trùng với thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm, do đó, những nhóm ngành cho thấy con số báo cáo kết quả kinh doanh tích cực được kỳ vọng sẽ có phản ứng hồi tốt nhất.

"Một số ứng viên tiềm năng có thể kể đến như chứng khoán, công nghệ thông tin, dầu khí", KBSV nhận định và cho biết thêm rằng kết quả kinh doanh quý III sẽ tiếp tục phân hóa với xu hướng là cải thiện nhẹ so với cùng kỳ. So với mức sụt giảm mạnh ở 2 quý đầu năm, đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tin bài liên quan